Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, thuốc lá đã giết chết 7,1 triệu người, trong đó 6.210.000 do sử dụng thuốc lá, 890.000 ca gây ra bởi chịu phơi nhiễm và tác hại của hút thuốc thụ động, con số này đến năm 2020 là hơn 8 triệu người chết do thuốc lá, trong đó 70% số người chết xảy ra ở các nước đang phát triển.
Việt Nam có khoảng 15,6 triệu người trên 15 tuổi hút thuốc lá, trung bình hai nam giới có một người hút thuốc; 28,5 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà; 5,9 triệu người không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030. Tổn thất kinh tế và sức khỏe do thuốc lá gây ra ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm. Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị, mất khả năng lao động vì ốm đau, bệnh tật, tử vong sớm do hút thuốc gây ra. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút mỗi năm. Việt Nam đứng trong nhóm 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng để giảm tác hại do thuốc lá gây ra và kéo giảm tỷ lệ người hút thuốc lá cần tăng thuế thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt đối với thanh, thiếu niên hút thuốc. Tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Thuế thuốc lá nên được tăng thường xuyên để theo kịp mức thu nhập và lạm phát; cần bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2000 đồng, tối ưu là 5000 đồng /bao thuốc lá từ năm 2020. Ước tính tăng 5000 đồng /bao thuốc lá sẽ giảm được 1,8 triệu người hút thuốc, tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc, tăng doanh thu thuế 10.700 tỷ đồng/ năm.
Quốc Khánh