Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe.

Dịp Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn giao thông thường diễn biến phức tạp do tập quán sử dụng rượu, bia của người dân tăng cao. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông, đặc biệt là kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định...

Nhiều giải pháp hạn chế tai nạn giao thông

Vi phạm quy định về nồng độ cồn luôn trở thành một vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm mỗi dịp cuối năm. Thời điểm từ nay đến cuối năm là dịp của các buổi liên hoan, tổng kết do đó số người sử dụng bia rượu sẽ tăng mạnh. Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm nồng độ cồn, Công an Hà Nội đã tăng cường nhiều giải pháp.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khẳng định: Xử lý vi phạm về nồng độ cồn phải thường xuyên, liên tục. Trong năm 2022 và 11 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã tập trung xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này.

Sau 11 tháng năm 2023, đã xử lý 696.264 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, ngày 4-12, Cảnh sát giao thông đã phát hiện xử lý 1.905 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 948 trường hợp vi phạm về tốc độ; 11 trường hợp quá khổ giới hạn, 52 trường hợp chở hàng quá tải trọng; 2 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện, 12 trường hợp vi phạm ma túy. Trong đó, các đội trật tự kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông lập biên bản 105 trường hợp vi phạm, phạt tiền 487 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 59 trường hợp, tạm giữ 1 phương tiện. Lực lượng chức năng cũng tạm giữ 79 xe ôtô, 2.376 xe máy đồng thời tước 1.382 giấy phép lái xe. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra xử lý 120 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 101 triệu đồng. Toàn quốc xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 21 người.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết 2024

Trong công điện đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán ngày 5-12, Thủ tướng đồng thời yêu cầu đẩy mạnh truyền thông, kêu gọi người dân đã uống rượu bia không lái xe; không dùng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi ôtô; tuân thủ quy định tốc độ. Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, quá tải... Phối hợp bảo đảm ATGT tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa.

Công điện cũng lưu ý đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc và tăng giá vé trái quy định.

Bộ GTVT phải chỉ đạo các sở GTVT và các nhà thầu bảo đảm điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra. Bảo đảm hệ thống thu phí điện tử không dừng hoạt động thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí; phối hợp với các cơ quan liên quan không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí cảng hàng không.

Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào nội đô Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức lễ hội xuân.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan, ngành, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn. Chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên về quê đón Tết.

Võ Hóa