Các cụ ta có câu: “Tấc đất, tấc vàng”, vậy mà ngày càng có nhiều nông dân bỏ biết bao “tấc vàng” ấy. Cách đây 5 năm, nhiều cánh đồng trên địa bàn Tân Tiến - một xã ven đô thuộc huyện An Dương, T.P Hải Phòng cũng bị bỏ hoang hóa, gây lãng phí đất sản xuất. Năm 2013, diện tích đất ruộng bỏ hoang của xã lên tới 60ha. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến cho người nông dân từ bỏ mảnh ruộng đã gắn bó bao đời để chuyển sang kinh doanh dịch vụ hoặc vào làm trong các khu công nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, được sự chỉ đạo và ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (HTX) ra đời với lực lượng nòng cốt là hội viên CCB (20/25 xã viên là CCB) do doanh nhân CCB Nguyễn Văn Hinh làm Giám đốc.
Gần 30 năm sau “đổi mới”, ruộng đất nhỏ lẻ được chia theo khoán hộ năm xưa đã góp phần làm đổi đời nông dân, nông nghiệp nước nhà thì nay đã không còn phù hợp trong sự phát triển đi lên của nền sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa và tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Xác định cải tạo đồng ruộng theo xu hướng “cánh đồng mẫu lớn” là khâu then chốt, từ tháng 1-2014, HTX tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào dồn điền đổi thửa, góp ruộng đất bỏ hoang vào HTX cùng sản xuất, kinh doanh, thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp tại những địa bàn có nguồn lực lao động thấp.
Trao đổi với chúng tôi, doanh nhân CCB Nguyễn Văn Hinh cho biết: “Chỉ có sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể tạo ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và số lượng để cạnh tranh trên thị trường. Địa hình đất nông nghiệp của xã không bằng phẳng, chỗ cao, chỗ trũng, bình quân chênh lệch độ cao khoảng 0,5m. Muốn cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất thì việc đầu tiên là phải san phẳng mặt ruộng, tiếp đến mới là đóng góp và vay vốn đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng, kho lạnh...”.
Trong 2 năm đầu, 36ha ruộng được cải tạo đã đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt như giảm chi phí sản xuất lúa từ 300 đến 350 nghìn đồng/sào so với sản xuất thủ công trước kia. HTX được Bộ NNPTNT chọn làm mô hình điểm cho các địa phương gần khu công nghiệp, giáp ranh đô thị, có đặc điểm tương tự như xã Tân Tiến đến học tập.
Năm 2017, nhờ sự kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp CCB T.P Hải Phòng, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê do CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền làm Giám đốc đã liên kết với HTX sản xuất rau đậu tương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và thị trường châu Âu. Là doanh nghiệp chuyên liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, Công ty Hiền Lê hỗ trợ HTX về vốn, máy móc, thiết bị, làm hệ thống thủy lợi… Đặc biệt, để khuyến khích bà con nông dân yên tâm sản xuất, gieo trồng giống đậu tương này, Công ty mời chuyên gia Nhật Bản sang để hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt nhất.
“Với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, chị Bảo Hiền luôn tâm huyết mong muốn giúp đỡ CCB làm kinh tế, giảm nghèo bền vững. Sản xuất rau an toàn là hướng đi đúng đắn, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất theo liên kết chuỗi góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập của nông dân” - ông Hoàng Xuân Yên - Phó chủ tịch Hội CCB T.P Hải Phòng chia sẻ.
Năm đầu tiên, HTX chỉ chuyển đổi cơ cấu 7ha ruộng từ sản xuất lúa sang sản xuất rau màu, thì đến năm 2019, diện tích trồng rau là 50ha. Rau đậu tương là một món ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản, khá ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, được thu hái khi quả còn xanh và luộc ăn như một món rau. Thời gian trồng rau đậu tương ngắn, mỗi năm được 3 vụ, 1 sào đạt từ 3-3,5 tạ. Với giá bán 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí 1ha cho lãi đạt 25 triệu đồng/vụ.
Hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao, doanh thu bình quân của HTX tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 6 tỷ đồng. Vào vụ thu hoạch, HTX thường thuê thêm khoảng 60 lao động, với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 6-2019, toàn bộ diện tích trên cánh đồng mẫu lớn được cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60ha.
Bằng niềm tin và quyết tâm của những người lính cựu, đồng hoang nay được đánh thức, đất cằn giờ đã xanh tươi, trù phú. Nhờ đó mà xã Tân Tiến khắc phục tình trạng ruộng đất bỏ hoang, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, từng bước tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đó là một trong những nhân tố để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hồ Thanh Hương