Để thực hiện giấc mơ đó, ông theo học Trường cao đẳng Y học dân tộc Tuệ Tĩnh (nay là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) rồi miệt mài học hỏi bạn bè, nhân dân trong vùng về những bài thuốc hay, những cây thuốc quý. May mắn đã mỉm cười với ông khi gặp được người thầy Lê Y Phen (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương) và được thầy nhiệt tình truyền lại nhiều kiến thức quý. Bất kể ngày nắng hay mưa ông không nghỉ ngơi mà đều cần mẫn nghiên cứu những kiến thức trong các cuốn sách và kinh nghiệm thực tế khám chữa bệnh nhiều năm liền, ông tích lũy được nhiều bài thuốc hay, chữa bệnh hiệu quả. Sau hằng chục năm học hỏi và nhận được sự truyền dạy của người thầy danh tiếng, Phạm Khắc Tỉnh trở thành lương y có tên tuổi trong điều trị nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là chữa xương khớp và bệnh gút. Ngoài một số dược liệu phải mua, ông còn tự trồng cây thuốc trong vườn nhà, vào rừng hái lá rồi về lại hì hụi chế biến. Trong những thang thuốc của ông chứa trọn những vị thuốc quý và cả mồ hôi, công sức, giúp hàng nghìn bệnh nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc như Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau... có cả những người con xa quê hương là Việt kiều chữa khỏi bệnh tật… Đến chữa bệnh tại nhà lương y Phạm Khắc Tỉnh các bệnh nhân được đón tiếp và chăm sóc chu đáo, ăn cơm cùng gia đình, được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng tại khu vườn với gần nghìn chậu hoa, chậu cây cảnh quý giúp giảm cơn đau đớn của bệnh tật. Khỏi bệnh, nhiều người coi ông như cha, như anh. Nói gọn là vậy chứ qua mấy chục năm ròng, công sức miệt mài và cái tâm, cái duyên đã đúc nên lương y CCB Phạm Khắc Tỉnh hôm nay.
Nhiều năm qua, ông cùng các hội viên của Hội Đông y thị xã tổ chức làm công tác từ thiện giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người nghèo, CCB. Phương châm của ông là “Đói thì ăn rau, đau thì uống thuốc, nghèo cho họ thuốc, đói cho họ gạo, lạnh cho họ áo”. Nghĩ vậy và làm vậy. Mỗi năm, ông dành 200 triệu đồng để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn và các CCB trong vùng vay không lấy lãi để làm kinh tế “xóa đói giảm nghèo”. Không kể, nhưng nhiều người biết, ông Phạm Khắc Tình, cùng thôn Kim Điền là một hộ khó khăn tiêu biểu được ông Tỉnh giúp đỡ. Năm 2007, ông Tình bị bệnh xơ gan, điều trị khắp nơi, tốn kém tiền của mà bệnh không khỏi. Thấy gia cảnh ông Tình như vậy, ông Tỉnh cắt thuốc cho ông điều trị không lấy tiền. Chữa khỏi bệnh cho ông Tình, ông Tỉnh thấy gia đình ông Tình có nghề làm hương thủ công, ông đã cho gia đình ông Tình vay vốn mua 3 máy làm hương, trị giá 50 triệu đồng và đầu tư mua nguyên liệu làm hương 60 triệu đồng. Có máy, có nguyên liệu dồi dào, kinh tế gia đình ông Tình dần ổn định và phát triển... Gia đình ông Lê Hồng Tú, 68 tuổi, thôn Phượng Sơn cùng xã có con trai là Lê Hồng Tài bị bệnh dạ dày, ông Tỉnh đã bốc thuốc điều trị khỏi bệnh cho anh Tài. Thấy anh Tài làm công việc bấp bênh, ông Tỉnh liền cho anh Tài vay 200 triệu đồng mua ô tô tải làm dịch vụ, có thu nhập ổn định hơn… Không chỉ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Tỉnh còn là “mạnh thường quân” của nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác trong và ngoài địa phương. Ông đã tài trợ kinh phí cho nhiều hoạt động của các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội CCB... đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, tặng cây cảnh cho các đình, đền, chùa hay tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, người nghèo...
Lương y CCB Phạm Khắc Tỉnh được nhận nhiều Bằng khen của các cấp chính quyền, của Hội Đông y, Hội Nông dân, Hội CCB, được đi dự Đại hội “CCB làm kinh tế giỏi toàn quốc”, nhận danh hiệu “Thương hiệu truyền thống và báu vật gia truyền nổi tiếng Việt Nam”… Phần thưởng nhiều, nhưng với ông, quý nhất vẫn là tấm lòng tin yêu của đồng đội, của người dân, trong đó có những bệnh nhân đã đến với ông.
Tâm và tầm người lương y CCB Phạm Khắc Tỉnh là vậy.
Bài và ảnh: Quốc Huy