CCB Lê Thành Đô khám chân cho CCB Nguyễn Văn Cương.
(Báo tháng) - CCB Lê Thành Đô (75 tuổi) ở ngõ Gốc Đề, đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bước ra từ chiến trường ác liệt, về quê nhà với những thương tật do chiến tranh để lại nên ông thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống của đồng đội khi bị thương mất một phần tay, chân!. Chính điều đó đã thúc giục ông hằng ngày tạo ra những đôi tay, đôi chân giả để tặng đồng đội, người khuyết tật.
Ngày cuối tuần, tôi đến gặp ông, dù đã hẹn, nhưng lượng bệnh nhân đến thăm, khám, làm chân tay giả rất đông, nên cuộc nói chuyện của tôi với ông bị đứt quãng liên tục.
Vừa thăm khám cho bệnh nhân, ông vừa nói: “Anh em thương binh mình đã được Nhà nước lo toan nhiều, nhưng vẫn chưa xuể, nhiều người còn khó khăn quá. Tôi cũng là thương binh, được Quân đội đào tạo nghề thầy thuốc, bây giờ nghỉ hưu, có ít kinh nghiệm cũng muốn góp phần giúp đồng đội. Tưởng ít “bệnh nhân”, nào ngờ mỗi ngày một đông, đến mức năm 2006 tôi phải xin cấp phép mở “Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật”, đặt luôn cơ sở ở nhà mình, tuy chật chội nhưng mọi người thông cảm lắm”.
Tiếng lành đồn xa, bây giờ Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều người khuyết tật và còn được bạn bè, các tổ chức quốc tế tài trợ như: Ông William Hoyt - Chủ tịch Tổ chức UniReach International (Mỹ); ông Kim - Giám đốc Tổ chức YoungSan - ChoYongKi Foundation (Hàn Quốc); ông Rodd Mann (Mỹ), một phụ nữ nguyên là sĩ quan Quân đội (giấu tên) - hiện nay là doanh nhân ở Hà Nội... số tiền tính ra lên đến hàng tỷ đồng.
Trung tâm đi vào hoạt động đã được hơn 13 năm và ông Đô đã giúp khoảng 650 người khuyết tật. Bệnh nhân của ông đến từ khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam; mỗi người một hoàn cảnh riêng với nhiều dạng tật khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một mong muốn, có một bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn.
Với ông Đô, những người đồng đội, các CCB ông giảm tối đa chi phí để giúp họ. Riêng với trẻ nhỏ đang tuổi đến trường, sinh viên đang học tập, những người đang trong độ tuổi lao động, người dân tộc thiểu số nghèo và một số trường hợp khác ông cũng thăm khám, lắp chân tay giả miễn phí hoàn toàn.
Có mặt tại Trung tâm, CCB Nguyễn Văn Cương (sinh năm 1962) ở xã Ea tar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho biết: Chân ông bị cắt khoảng 4 tháng nay, do đi làm rẫy, bị nhiễm trùng dẫn đến viêm xương. Sau gần 3 năm điều trị, ông phải cắt bỏ một phần đôi chân, làm ông đi lại rất khó khăn. Qua các phương tiện truyền thông, ông biết được cơ sở của ông Đô vừa uy tín, giá điều trị lại phù hợp nên hai bố con ông đến nhờ ông Đô chữa trị.
Để có được đôi chân đi lại nhẹ nhàng, CCB Bùi Trọng Định ở Chợ Mơ (Hai Bà Trưng-Hà Nội), cũng đã đến điều trị ở cơ sở của ông Đô từ nhiều năm trước. Ông Định kể: “Mỗi lần tôi đến, dù là thăm khám hay thay chân giả, tôi đều được ông Đô làm rất cẩn thận, tỉ mỉ. Ông chỉ cho tôi cách điều chỉnh, vận động được thoải mái nhất, chân giả mà cứ như thật ấy, nhẹ nhàng lắm mà không mất bất cứ một đồng nào”.
Cảm động trước tấm lòng của ông Đô, bác Trần Văn Chanh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Chí Linh (Hải Dương) cho biết: “Gần 20 lượt người ở Chí Linh, trong đó đa phần là CCB đã được ông Đô lắp chân, tay giả miễn phí. Nhờ có ông Đô mà những người khuyết tật chúng tôi vẫn đi lại, sinh hoạt, lao động được bình thường, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chúng tôi cảm ơn ông Đô nhiều lắm!”.
Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được sự vất vả của bác sĩ Lê Thành Đô và những người đồng nghiệp của ông. Quá trình làm được một chân, tay giả phải qua nhiều công đoạn, từ việc thử chân, đổ bột, mài giũa “nắn” cho vừa với từng người nên mất rất nhiều thời gian.
Ngoài việc thăm khám, làm dụng cụ chỉnh hình, ông còn động viên và tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt.
Tấm lòng, việc làm tình nghĩa của CCB Lê Thành Đô đã trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa trong cộng đồng, hướng con người đến những việc tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống. CCB Lê Thành Đô vừa được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng "Tình nguyện Quốc gia 2018".
Vũ Minh