Bản đăng ký tham gia chương trình  giới thiệu chương trình .Vui xuân Di sản. do Trung tâm VHTTTT quận Long Biên tổ chức.

Một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận Long Biên phát đi thông báo tới các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận tham gia “Chương trình giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể”, “Chương trình chào xuân Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng” với mức kinh phí đóng góp 150.000 đồng/em. Thông tin đã gây sự chú ý của dư luận và có cha mẹ học sinh phản ứng, không đồng tình...

Vui xuân…, phải mất tiền?

Mới đây, có phụ huynh phản ánh về việc Trung tâm VHTT&TT quận Long Biên phối hợp với Phòng GDĐT quận Long Biên cùng nhà trường đăng ký chương trình: “Vui xuân Di sản”, được tổ chức cho các lớp 3,4,5 của khối Tiểu học và các lớp 6,7 của khối THCS trên địa bàn quận trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, mỗi học sinh tham gia được ấn định số tiền đóng góp là… 150.000 đồng!

Theo kế hoạch, chương trình được tổ chức “nhằm kết hợp vừa quảng bá di sản phi vật thể địa phương đồng thời kết hợp, triển khai tổ chức các hoạt động trải nghiệm để giúp các em học sinh tiếp thu, kế thừa những tinh hoa văn hóa lâu đời của dân tộc, cùng ôn lại truyền thống lịch sử và tìm hiểu về phong tục Tết cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian bên cạnh hội chợ quê náo nhiệt và những cuộc thi gói bánh chưng, cuộc thi đánh trận giả cùng nhau giữ nước…”.

Trong phiếu đăng ký cho thấy chuyến đi sẽ được tổ chức 1 buổi sáng từ 7h30 đến 11h00 hoặc buổi chiều từ 13h30 đến 16h30 theo nhu cầu đăng ký của các nhà trường. Địa điểm tổ chức tại Đình làng Lệ Mật thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên và diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày  24-1-2025.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn khi chương trình này lại được triển khai trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 494/KH-UBND ngày 31-12-2024 của UBND quận Long Biên do Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Thanh Hằng ký ban hành. Trong đó đáng chú ý là, tại mục 6, phần III của Kế hoạch 494 này có ghi: “Các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận: Căn cứ kế hoạch chủ động thông tin tuyên truyền với phụ huynh đăng ký tham gia hoạt động trải nghiệm phù hợp với kinh phí đóng góp tự nguyện”.

Một số phụ huynh khi đọc được thông tin, cho rằng: Trung tâm VHTT&TT quận Long Biên đã “cụ thể hóa” việc tự nguyện đóng góp kinh phí với số tiền là 150.000đ/1 học sinh là “áp đặt”.

Theo phụ huynh có đơn phản ánh: “Những sự kiện văn hóa, thể thao… vào các dịp Lễ, Tết, những ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước, của địa phương là những hoạt động thiết thực cần được phát huy để giáo dục cho thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ của chính quyền và các cơ quan chức năng. Để thực hiện được các sự kiện này cần phải có kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc xã hội hóa để nhân dân đến tham quan, trải nghiệm. Vì thế sẽ không có bất cứ hình thức thu tiền nào được nêu ra trong những sự kiện mang ý nghĩa chính trị, văn hóa này, ngoại trừ các hoạt động mang yếu tố kinh doanh thương mại”.

Đừng lạm dụng các chương trình để… “thu tiền” theo hình thức tự nguyện!

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT quận Long Biên xác nhận có chương trình tổ chức “Vui xuân Di sản” do Trung tâm VHTT&TT triển khai, được UBND quận Long Biên phê duyệt kế hoạch tổ chức.

Theo ông Việt, chương trình nhằm tuyên truyền cho các em học sinh hiểu thêm về truyền thống, lịch sử và phong tục tập quán các ngày Lễ, Tết… “Năm 2005 là năm Ất tỵ - năm con rắn nên Trung tâm lựa chọn Đình Lệ Mật để làm nơi tổ chức. Các em tham gia trải nghiệm sẽ tự nguyện đóng góp 150.000 đồng/em. Đây là khoản chi cho xe ô tô đưa đón, quà tặng mang về và 1 chữ thư pháp, 2 vé ẩm thực chợ quê (nước uống, bánh …, 1 vé vui chơi trò chơi dân gian có thưởng), nguyên liệu gói bánh chưng, chi phí nhân sự tổ chức quản lý học sinh tham gia hoạt động team building, đánh trận giả, trang trí sân khấu, âm thanh, quà tặng...”.

“Bình thường, chỉ triển khai đưa các em tới tham quan các di tích lịch sử , tổ chức thắp hương, dâng lễ, rồi giới thiệu về truyền thống, lịch sử di tích cho các con, sau đó cho các con về. Nhiều nơi đang theo cái mô típ như thế nên trung tâm muốn nâng tầm hoạt động nó lên và thu phí ở đây là vậy”.  Ông Việt lý giải thêm: “Như đã biết, một số trường tổ chức chương trình học lịch sử địa phương, khi ô tô đưa các em đến nghe giới thiệu, rồi ra về. Thực ra, nói thật đâu đó nó vẫn còn hình thức quá bởi vì nói thế nhiều lúc trẻ con không nghe ra... Nên từ thực tế đó, rút kinh nghiệm, chúng tôi phải làm cái gì đó thực tế nhất để các con được chạm, được sờ vào, được cảm nhận khi đến, qua đó làm sống lại cả không khí… Đó mới là ý nghĩa”.

“Xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng đó, làm lãnh đạo trung tâm nên muốn làm cái gì đó, điều gì đó tốt nhất cho các con thôi” - ông Việt phân trần thêm.

Ông Việt cũng xác nhận Chương trình “Vui xuân Di sản” không có kinh phí từ ngân sách để triển khai cho chương trình trải nghiệm. Số tiền 150.000 đồng thu của mỗi học sinh khi tham gia trên tinh thần tự nguyện đã được thông qua UBND quận…”.

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: “Quận có nhận được đơn phản ánh về sự việc này và đã trả lời, báo cáo thành phố…”.

Tuy nhiên, qua sự việc  trên có ý kiến cho rằng: Chương trình “Vui xuân Di sản” nhằm giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc; tôn vinh Di sản Văn hóa truyền thống … cho các học sinh là một chương trình có ý nghĩa, giúp các em hiểu được giá trị của nền văn hóa qua đó tiếp thu, kế thừa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhưng, sự lồng ghép thêm các các chương trình “có thu phí” dễ dẫn tới nhiều người hiểu sang một ý nghĩa khác, đó là… “mượn danh các sự kiện chính trị; giới thiệu, quảng bá truyền thống văn hóa để… “thu tiền” là không nên! Nói là thế bởi Trung tâm VHTT&TT quận Long Biên là đơn vị sự nghiệp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quận Long Biên về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… trên địa bàn, đã được ngân sách nhà nước chi cho hoạt động thường xuyên. Vì vậy, một khi không tách biệt rõ ràng giữa nhiệm vụ chính trị và lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ mà triển khai thực hiện như thế sẽ dễ dẫn tới luồng dư luận có suy nghĩ không tốt về chương trình; dễ làm phụ huynh học sinh bức xúc, có ý kiến. Bởi vậy, hãy cân nhắc, thận trọng trước khi sự việc đi quá xa vì sau khi kết thúc chương trình, một vấn đề đặt ra là khoản tiền tự nguyện đóng góp 150.000 đồng của học sinh và khoản tiền chi phí của chương trình sẽ được thanh quyết toán, xuất hóa đơn chứng từ ra sao cho đúng với qui định tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khi mà số lượng trường lớp, số học sinh ở Long Biên không phải là ít?

Nhiều địa phương từng cấm thu tiền của học sinh đi tham quan, trải nghiệm
Năm 2023, mới ngoài Tết 1 tháng, Sở Giáo dục đào tạo (GDĐT) tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động trải nghiệm để thu tiền đi tham quan, du lịch của học sinh. Trước đó, ngày 17-2-2023, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cũng có văn bản chấn chỉnh các cơ sở giáo dục lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, thu tiền để đồng loạt đưa học sinh đi tham quan, du lịch, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Không chỉ một số tỉnh - thành cấm, báo chí cũng từng đưa tin giáo viên chủ nhiệm trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, T.P HCM được công ty du lịch “cắt phế” 10.000 đồng/1 học sinh (trong tổng số tiền thu 400.000 đồng/1 học sinh) nếu tuyên truyền được 1 em tham gia đi học tập, ngoại khóa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng và Công viên nước Đầm Sen.
Tại Hà Nội, gần đây một số trường trong nội đô và thậm chí cả ngoại đô cũng rầm rộ tổ chức các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm và du lịch vào dịp gần cuối học kì I, để thu tiền của học sinh. Trong số đó phải kể đến có trường THPT trên địa bàn quận Nam Từ Liêm mới đây đã phát đi thông báo, kêu gọi cha mẹ học sinh ký vào bản đăng ký cho con em mình đi trải nghiệm ở Khu du lịch FLC Sầm Sơn và đền Bà Triệu (Thanh Hóa) hai ngày, mức thu lên tới 1.290.000 đồng/em. Vụ việc khiến cho một số cha mẹ học sinh quan ngại, lo lắng, không an tâm khi mà họ phải để con em xa nhà, ngủ qua đêm có cả nam và nữ đang ở độ tuổi “cập kê” ở khu reasot; và thậm chí họ còn phàn nàn rằng, hầu như năm nào nhà trường cũng tổ chức chương trình trải nghiệm cho các con 1 đến 2 lần. Khoản đóng góp như vậy cũng là một gánh nặng cho gia đình khi mức thu nhập không cao do chi phí sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày đã tiêu ngốn khá nhiều nguồn thu nhập của gia đình…
“Vẫn biết là đóng tiền tự nguyện, tuy nhiên lớp học là một tập thể, các học sinh khác đều đi, con em mình không đi thì sẽ cảm thấy bị thiệt thòi, thậm chí có thể sẽ bị “để ý” nếu không thường xuyên tham gia trọn vẹn các chương trình…” - một phụ huynh thẳng thắn chia sẻ như vậy!

Doanh Chính