Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở, anh Nguyễn Trọng Tú - Phó chủ nhiệm thường trực CLB cho biết, thế mạnh trong phát triển kinh tế của Hưng Yên có nhiều. Về hiện tại, hàng loạt khu công nghiệp đang mọc lên, giúp tỉnh xóa thế độc canh sản xuất nông nghiệp. Về quá khứ, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, Phố Hiến (T.P Hưng Yên ngày nay) đã nổi tiếng là thương cảng sầm uất nhất của “Đàng ngoài” cùng với Phố cổ Hội An, thương cảng lớn nhất của “Đàng trong”. Địa bàn thuận lợi, giáp với T.P Hà Nội, Hải Phòng… “Máu làm ăn” ngầm chảy trong mỗi con người nơi đây, nhất là những người lính cựu. Là tỉnh nhỏ, nhưng Phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, phát triển kinh tế của CCB tỉnh Hưng Yên những năm qua là khá mạnh với hàng nghìn tấm gương CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Anh nhắc lại những kỷ niệm ngày đầu thành lập Câu lạc bộ CCB-CQN sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hưng Yên (năm 2006). 11 năm tổ chức và đi vào hoạt động, CLB đã kết nạp được 61 thành viên tiêu biểu trên khắp các địa bàn trong tỉnh và trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Nhóm mô hình doanh nghiệp của CLB hiện có 22 CCB là Giám đốc các công ty, các doanh nghiệp, tiêu biểu như đồng chí Vũ Công Sơn ở huyện Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhiều Công ty CP về lĩnh vực xây dựng, kỹ nghệ thực phẩm, bất động sản, sản xuất sơn;
đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên; CCB Nguyễn Thị Thành, Doanh nghiệp Thành Vinh (huyện Phù Cừ); CCB Nguyễn Thị Muôn, giám đốc Công ty Phúc Thành (huyện Phù Cừ); CCB Lê Thị Mai Phương ở huyện Mỹ Hào chuyên về dệt nhuộm, giặt là; CCB Nguyễn Trọng Tú ở huyện Ân Thi, Giám đốc Công ty Xây dựng Thịnh Hưng; CCB Hoàng Văn Đương ở xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, Giám đốc Công ty Bao bì Thiên Long… Ở nhóm mô hình kinh doanh dịch vụ, HTX, làng nghề có 20 CCB tiêu biểu. Anh Tú bảo tôi, có thời gian, đi đến những nơi này, nhà báo có mà “quên đường về”; đó là những tấm gương CCB Trịnh Văn Quây xây siêu thị điện máy ở huyện Văn Lâm, CCB Đỗ Công Doãn xây chợ Phủ ở thị trấn Khoái Châu; các CCB Nguyễn Văn Xít, Hà Văn Lai, Hà Năng Tái ở T.P Hưng Yên làm xưởng chế biến long nhãn, hạt sen với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm; HTX nấm linh chi của CCB Nguyễn Văn Phúc ở Văn Giang, HTX chạm bạc ở Phù Ủng (Ân Thi), cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của các CCB Nguyễn Văn Nguyên (Phù Cừ) và CCB Phạm Hồng Kỳ (Mỹ Hào)… Đến Công ty mây tre đan xuất khẩu Phú Minh Hưng Yên trong Khu công nghiệp Phố Nối A khi đã cuối giờ sáng, chúng tôi gặp Ban giám đốc, các phòng ban và công nhân vẫn mệt mài làm việc. Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất, anh Nguyễn Trọng Mừng - Phó tổng giám đốc Công ty cho biết: Mỗi năm có hàng triệu sản phẩm với gần 500 tên gọi khác nhau từ mây tre, từ cây bèo tây qua bàn tay khéo léo của hàng vạn nông dân ở các địa phương được các anh tổ chức hướng dẫn, đầu tư, thu mua bao tiêu trở thành lồng bàn, rổ sọt, khay, hộp… vuông vắn rồi đem về đây hấp sấy, chuẩn chỉnh xuất bán ra nước ngoài. “Kiểu làm ăn chụp giật không tồn tại được anh ạ. Làm ăn chân chính thời hội nhập, cảm thấy doanh nghiệp mình vững vàng lên nhiều. Lời ít, nhưng tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân là chúng tôi mừng lắm rồi anh ạ!”. Tôi hiểu, đây không chỉ là tâm tình của riêng anh Mừng mà là của chung các doanh nhân CCB -những người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế hôm nay. Nhắc tới mô hình kinh tế trang trại, anh Tú cho biết, đây là thế mạnh của CCB tỉnh Hưng Yên. Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 1.300 mô hình kinh tế trang trại, CLB đã thu hút được 19 CCB tiêu biểu như CCB Nguyễn Đức Quảng ở xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) với hơn 50 ha chuối tiêu hồng; CCB Lê Thanh Xuân ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) là thương binh 2/4 chăn nuôi bò sữa và chế biến nông sản xuất khẩu; các CCB Nguyễn Tuấn Thục ở xã Ngọc Lâm (huyện Mỹ Hào); CCB Trương Văn Nghĩ ở xã Phụng Công (huyện Văn Giang); CCB Dương Văn Dũng ở xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động)… Không đi hết được, nhưng qua những gì đã thấy, đã nghe, thấy mô hình nào cũng hay, mỗi mô hình mỗi vẻ nhưng đều xuất phát từ cái tâm của người lính Cụ Hồ, tư duy làm ăn lớn, tạo công ăn việc làm cho vài chục đến hàng trăm, hàng ngàn lao động tại mỗi cơ sở. Mỗi thành viên của CLB đều được các cấp chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao trong mọi hoạt động.
Qua 11 năm tổ chức, từ những bỡ ngỡ ban đầu, Ban chủ nhiệm đã đưa dần mọi hoạt động của CLB với 61 thành viên sinh hoạt trong 10 tổ trên khắp các địa bàn đi vào nề nếp và thực chất. Kết hợp với Hội CCB tỉnh, Ban chủ nhiệm CLB đã mời Liên minh HTX, Sở Nông nghiệp, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức hàng chục buổi tập huấn, nói chuyện về phương thức tổ chức kinh doanh, cách lập sổ sách chứng từ, hạch toán trong kinh doanh, chuyển giao KHKT với sự tham dự của hơn 1.000 lượt CCB; cùng Hội CCB tỉnh tổ chức 5 cuộc thăm quan mô hình kinh tế điển hình, tạo mối liên doanh, liên kết giữa các nhóm mô hình phát triển kinh tế trong CLB với nhiều mô hình kinh tế của các đoàn thể bạn nhằm giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, giống vốn và bao tiêu sản phẩm hiệu quả… Làm giàu cho mình, đóng góp đầy đủ các loại thuế, các thành viên Câu lạc bộ CCB-CQN sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hưng Yên còn luôn tích cực tham gia vào các hoạt động tình nghĩa, hoạt động xã hội và tham gia xây dựng quê hương, quyên góp ủng hộ các loại Quỹ “Vì người nghèo”, “Ủng hộ nạn nhân da cam”, “Đồng bào lũ lụt”, “Khuyến học”, “Đền ơn đáp nghĩa”... với số tiền hàng tỷ đồng, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa, hàng chục con bò giống… Gắn bó nghĩa tình đồng chí ,đồng đội, những năm qua, Ban chủ nhiệm CLB còn tổ chức cho các thành viên đi thăm các di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa được 5 chuyến, tổ chức 48 cuộc thăm hỏi hiếu hỷ cho các thành viên. Mọi việc lớn nhỏ đều là người thực, việc thực; khẳng định công sức và tâm tuệ của Ban chủ nhiệm cũng như các thành viên Câu lạc bộ CCB-CQN sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Hưng Yên trong ngôi nhà chung Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam.
Lên Hội, ấy là thêm sức mới, tầm mới cho lực lượng doanh nhân CCB tỉnh Hưng Yên.
Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu