Nhà văn Hồng Duệ.

Sau 33 năm làm công tác biên tập ở NXB Quân đội nhân dân và viết văn, sau giải phóng (1975), CCB, nhà văn Nguyễn Thị Hồng Duệ (sinh năm 1944) về đảm nhận công tác tại NXB Văn nghệ giải phóng (sau này là NXB Văn nghệ T.P Hồ Chí Minh) cho đến ngày nghỉ hưu. Biết quy luật sinh tử của một đời người, chị đã để lại di chúc trước ngày mình đi xa vì bạo bệnh (4-2015). Vừa qua, gia đình CCB Hồng Duệ đã thực hiện điều mong muốn của người đã khuất.

Là con của một gia đình có cha là trí thức cách mạng, mẹ buôn bán tại chợ Đồng Hới, Hồng Duệ thuở học Trường trung học Đồng Hới là nữ sinh có nhiều đam mê đọc sách và chơi thể thao. Niềm đam mê ấy giúp cho sau này Hồng Duệ thành nhà văn có một cơ thể khỏe, đẹp dịu dàng. “Chị là phụ nữ đẹp làm say lòng bao người, trong đó có những học giả nổi tiếng vào loại hàng đầu ngành thời ấy” (Mai Quốc Liên - Hồn Việt, số 5-2015).

         Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn năm 1967, chị tham gia Quân đội và sau đó trở thành sĩ quan, làm công tác biên tập tại NXB Quân đội nhân dân (QĐND) - một nhà xuất bản danh giá vào loại hàng đầu lúc bấy giờ. Là một biên tập viên có uy tín nhiều thập niên trong NXB QĐND, bởi chị không những chỉ có một vốn hiểu biết về lịch sử và văn hóa vừa rộng, vừa sâu, được trang bị bởi những đam mê từ tuổi nhỏ và những ngày trên giảng đường đại học, mà còn sâu nặng, ý thức đầy trách nhiệm là cần phải đi thực tế để có thể “chắc tay nghề” trong công việc biên tập. Trong truyện ngắn “Hoa chặc chìu” (4-1993), chị đã tâm đắc về điều ấy như sau: “Chỉ được gọi là lính khi người ấy có những năm tháng ngoài mặt trận”. Bởi vậy, chị đã xông xáo trong những chuyến đi thực tế, dù nơi đó đầy những hòn tên mũi đạn đang diễn ra quyết liệt. Nhờ những chuyến đi thực tế ấy đã làm cho những tác phẩm mà chị biên tập có thêm sức sống chứa đựng những giá trị đích thực về văn hóa, lịch sử. Còn nhớ, tháng 2-1984, NXB QĐND chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc tập ký sự của nhiều tác giả viết về Điện Biên nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng, chị theo Đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị lên Điện Biên đi thực tế. Chuyến đi ấy, chị đến cánh đồng Mường Thanh, đến đồi A1, đến hầm Đờ-cát-tờ-ri, đến hầm chỉ huy mặt trận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hú vía! Một buổi tối, ra ngoài, chị suýt giẫm vào lưng một con rắn hổ chúa. Với phản ứng nhanh, sức bật mạnh, chị đã nhảy lên miệng giao thông hào mà người ớn lạnh.  

Năm 1972, để có tập sách về chiến trường Đường 9, Khe Sanh nay mai đến với độc giả, chị đã xin theo Đoàn sĩ quan Tổng cục Hậu cần vào miền tây Quảng Trị giữa lúc chiến sự dữ dằn nhất để chụp hình, ghi chép, quan sát, chẳng khác nào một phóng viên chiến trường thực thụ. Và khi cơn địa chấn chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 đang rầm rộ diễn ra, chị đã có mặt tại Đà Nẵng, nơi chiến sự đã và đang diễn ra trong những ngày khói lửa đó… Quả thật, chị là hình ảnh của một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, phương diện là người làm sách. Chị vừa biên tập vừa viết văn.  

Ngày 15-6-1990, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Những tập truyện ngắn chị đã cho ra mắt độc giả gồm: “Gió từ đất liền” (1981), “Ngày ấy qua rồi” (1988), “Từ hai đầu thành phố” (2000).  

Đất nước thống nhất, chị là một trong những người đầu tiên làm công tác xuất bản vào miền Nam đặt nền móng cơ sở cho guồng máy xuất bản sách trong đó. Nhà văn Thu Bồn trong lời tựa viết cho tập truyện ngắn “Từ hai đầu thành phố” đã viết về Hồng Duệ như sau: “Lần thứ hai tôi gặp chị trên đường phố Đà Nẵng vừa mới giải phóng. Hồng Duệ mặc quân phục giải phóng, đầu đội mũ lưỡi trai, bên hông đeo một khẩu súng ngắn K59. Một số dân Đà Nẵng chạy theo xem mặt cô sĩ quan giải phóng có khuôn mặt đẹp kiên nghị. Họ kháo nhau như vậy. Tôi và anh Nguyên Ngọc cũng có ý đi tìm cô sĩ quan Quân giải phóng đó là ai? Té ra đó là Hồng Duệ. Chúng tôi cùng ăn cơm trưa trong một nhà máy in tại Đà Nẵng và bàn về việc in tập thơ “Quê hương mặt trời vàng” của tôi. Khi đó trên bầu trời Đà Nẵng, những chiếc máy bay A.37 đang gầm rú nhào lộn. Người dân nhốn nháo không biết máy bay nào. Nhưng chúng tôi biết đó là phi đội do anh Nguyễn Thành Trung tập luyện để chuẩn bị đánh vào dinh Độc lập và sân bay Tân Sơn Nhất”.

         Sau hơn mấy chục năm làm sĩ quan quân đội với chuyên ngành xuất bản sách và viết văn, Hồng Duệ chuyển sang làm Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Văn nghệ giải phóng (sau đó là Văn nghệ Hồ Chí Minh) cho đến ngày nghỉ hưu tại T.P Hồ Chí Minh.

         Hồng Duệ là vậy, “hồng nhan” và “bạc phận”. Đường chồng con lắm nỗi truân chuyên, vất vả. Hằng năm, chị vẫn dành thời gian về thắp hương điếu phúng tổ tiên ở Đồng Hới, Quảng Bình. Chị cũng dành nhiều thời gian để hội ngộ với bạn đồng niên ở bên bờ sông Nhật Lệ xinh đẹp của quê hương mình. Những ngày cuối tháng 3-2015, biết mình không qua nổi vì mắc chứng bệnh ung thư phổi, chị đã để di chúc, trong đó dặn dò gia đình cô em ruột của mình hỏa táng chị và tro cốt đưa về quê hương rải trên sông Nhật Lệ. Và ý nguyện của chị đã được gia đình cô em ruột thực hiện. Tro cốt của chị được rải từ cầu Quán Hàu ra tận cửa biển Nhật Lệ, dài 8km. “Tôi bắt đầu ra đi từ đầu bên này của thành phố để rồi sau đó, trong hoàng hôn, lại trở về nơi tôi đã ra đi”. Nữ nhà văn Hồng Duệ đã dự cảm cho mình như thế và đặt những dòng viết ấy để mở đầu tập truyện ngắn “Từ hai đầu thành phố” (tập truyện đầy tâm huyết cuối đời của chị, Nxb Văn Nghệ T.P Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000).  

Người viết bài này đã có lỗi với nữ văn sĩ Hồng Duệ và gia đình chị là đã để cho bạn đọc biết được việc làm đầy giá trị nhân văn của chị trước khi chị qua đời. Trong di chúc của mình để lại, chị Hồng Duệ đã dặn gia đình người em gái mình là không được cung cấp cho bất kỳ người nào, đặc biệt là người viết văn, làm báo biết việc tro cốt của chị đã được rắc trên sóng nước Nhật Lệ. Con sông mặn mòi bởi hồn thơ Nguyễn Du thuở làm quan cai bạ, sóng sánh lấp lánh bởi hồn thơ Hàn Mặc Tử buổi ấu thơ theo cha đến sống ở khu Giáo dân Tam Tòa (Đồng Mỹ ngày nay) và hùng tráng con sóng đã làm nên chiến công của con đò Mẹ Suốt anh hùng thời đánh Mỹ nay sẽ ngậm ngùi vì tro cốt của một nữ văn sĩ nặng lòng vì quê hương khi qua đời đã rải xuống trên sông. Những việc đã làm, thiết nghĩ, nữ văn sĩ Hồng Duệ đã tâm niệm sâu sắc câu thơ trong bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Sống là cho mà chết cũng là cho”.

Hồ Ngọc Diệp