Chúng tôi đến nhà anh Bùi Văn Nghị, ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu (Sơn La) là một trong số những trường hợp đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Anh cho biết: Trước kia, tôi phải đi 25 km tới trung tâm huyện để điều trị. Hiện nay, tại xã đã có điểm cấp thuốc, nhưng do nhà xa nên việc đi lại cũng khó khăn.

Cùng chung hoàn cảnh, anh Vũ Ngọc Hải, ở bản Nam Tiến, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu cho biết, từ nhà anh tới cơ sở cấp thuốc điều trị gần 20km. Những ngày mưa gió, việc đi lại rất vất vả, trong khi quy định cấp thuốc từ 7-9 giờ hằng ngày nên nhiều người bỏ điều trị.Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại trạm Y tế xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La).

Từ thực tế trên, hầu hết các trường hợp được hỏi đều mong muốn có cơ sở cấp phát thuốc Methadone gần nhà, vào tận thôn, bản để thuận tiện cho việc điều trị, từ đó họ có điều kiện để theo đuổi chương trình lâu dài.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 13 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, trong đó có 12 cơ sở đặt tại 12 trung tâm huyện và 1 cơ sở đặt ở T.P Sơn La. Ngoài ra, còn có 51 cơ sở cấp phát thuốc được đặt tại trạm y tế xã, trực thuộc 13 cơ sở điều trị Methadone.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La - bà Nguyễn Thị Kim An cho biết: Tuy Sở Y tế Sơn La đã thành lập tổ chuyên môn kỹ thuật hỗ trợ điều trị Methadone tại các xã, người bệnh không phải đến trung tâm huyện để uống thuốc, nhưng khoảng cách từ nhà đến trung tâm xã khá xa nên nhiều người chỉ tham gia được ít ngày...

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Promocphin. Khi triển khai kế hoạch này, nhân viên y tế sẽ được phép cấp phát thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên đây mới là kế hoạch, Sở chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào - bà An chia sẻ.

Nguyễn Chiến