Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì dấu ba chấm (...) trong câu văn  có tới 5 công dụng. Như thế, đích thực “ba chấm” trong các văn bản quy định pháp luật là để “Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng chưa liệt kê hết”.

Trong hệ thống văn bản quy định của nước ta có không ít văn bản dùng dấu ba chấm. Ví dụ, trong quy định “Tổ chức giao thông giữa T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành” của Sở Giao thông

- Vận tải T.P Hồ Chí Minh, ban hành đầu tháng 10-2021, Mục b quy định: Đối với các phương tiện có lộ trình quá cảnh qua T.P Hồ Chí Minh: “Không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện…”.

Chết rồi! Quy định thế, thì tiếp theo của “ba chấm” sẽ còn biết bao nhiêu trường hợp “bất khả kháng”, cho người thực thi công vụ cấm dừng phương tiện cũng đúng, không cấm cũng không sai! Cũng từ “ba chấm” mà kiểu cán bộ sợ trách nhiệm là “cho cấm tiệt”; còn người tham nhũng, tiêu cực thì lợi dụng để “cho xe này dừng, bắt xe kia đi”…

Thảo nào, những ngày này các cơ quan chức năng đang “kêu trời” về dấu “ba chấm” trong các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành, của tỉnh a, huyện b…  trong thực hiện phòng, chống dịch.

Nhiều hội nghị sơ kết phòng, chống dịch của các tỉnh, thành phố cũng chỉ rõ: Sự thiếu thống nhất giữa các địa phương trong phòng, chống dịch có nguyên nhân do văn bản hướng dẫn còn chung chung. Nhiều ý kiến bày tỏ “sợ nhất ba chấm” trong hướng dẫn. Vấn đề “tràn” cả vào nghị trường Quốc hội.

Thế đấy! Do cái “dấu chấm lửng lơ” mà thành ra mỗi nơi thực hiện một phách. Đây cũng là kẽ hở để lách luật, tham nhũng chính sách bằng văn bản.  

HUY THIÊM