Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thị trường nhiên liệu thế giới biến động mạnh, các doanh nghiệp đã kêu lỗ hơn 1.000 đồng mỗi lít xăng dầu bán lẻ. Ngoài việc giãn các lần tăng giá bán lẻ xăng dầu từ nay đến hết tháng 6, dốc quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ sử một số công cụ tài chính, trong đó có van thuế để giữ ổn định giá bán lẻ các mặt hàng xăng và dầu.
Tuần trước, Bộ Tài chính tuyên bố xả quỹ khoảng 500 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định giá bán. Một số doanh nghiệp khẳng định khoản hỗ trợ này không thấm vào đâu so với số lỗ mà các nhà nhập khẩu phải chịu đang tăng lên từng ngày.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận hiện quỹ bình ổn giá có khoảng 1.500 tỷ đồng, con số này không phải là lớn nếu giá thế giới tiếp tục biến động mạnh. Do vậy, chắc chắn cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải tính tổng thể nhiều biện pháp giữ ổn định giá bán. Một chuyên gia nhận xét: Thị trường xăng dầu đang lặp lại kịch bản của năm 2008 khi giá thế giới liên tục biến động, sức ép lạm phát tăng cao. Khi đó, Bộ Tài chính vừa sử dụng công cụ thuế vừa áp dụng mệnh lệnh hành chính yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá bán lẻ đến hết tháng 6.
Ngoài xăng dầu, từ nay đến hết tháng 6 một số mặt hàng nhạy cảm khác như điện, than, cước vận chuyển... cũng sẽ giữ ổn định giá bán. Đối với mặt hàng thép xây dựng, Bộ Tài chính đang yêu cầu doanh nghiệp thép phải niêm yết giá công khai và đăng ký biểu giá với cơ quan quản lý.
Quỳnh Anh (TH)