Sau buổi Lễ phát động Cuộc thi viết “Sâu nặng ân tình” vào đầu tháng 9-2016, Chương trình có chuyến đi tặng quà đầu tiên tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi có mảnh đất thiêng Hùng Sơn mà Tổng bộ Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và Nha Thông tin Tuyên truyền... theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc”, tức Ngày thương binh, liệt sĩ hiện nay. Đoàn thăm bà Nguyễn Thị Tỵ, 77 tuổi, vợ liệt sĩ Phạm Văn Cường và ông Ngô Đức Hùng, 84 tuổi, bố liệt sĩ Ngô Đức Bình hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây cũng nổi tiếng về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh Thái Nguyên.
Sau đó, Ban Tổ chức Chương trình tổ chức một chuyến đi “xuyên Việt” thăm và tặng quà tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - mảnh đất “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Bàn có 18.773 người hy sinh cho Tổ quốc; nơi đây có 2.900 Mẹ VNAH, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Thứ với chồng, 9 người con, 1 rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Tiếp theo, Đoàn vào thăm quê hương “đất thép” Củ Chi, nơi đây có các Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành có 8 người con và 1 cháu là liệt sĩ, Mẹ Bùi Thị Nguyên, Mẹ Nguyễn Thị Phái, Mẹ Nguyễn Thị Phơi... Điểm đến cuối cùng của Đoàn là huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, thăm, tặng quà 2 Mẹ VNAH Lê Thị Sum 88 tuổi, Võ Thị Rết 84 tuổi và đại diện 50 gia đình liệt sĩ. Thế là cả 2 chuyển tri ân tại quê hương ngày 27-7 (Đại Từ, Thái Nguyên) và hành trình xuyên Việt, Chương trình đã trao tặng 430 triệu đồng cho các địa phương và 200 phần quà tới các Mẹ VNAH và gia đình chính sách.
Sau 9 tháng phát động cuộc thi viết “Sâu nặng ân tình”, Ban Tổ chức nhận được 2.158 tác phẩm dự thi của trên 1.500 tác giả trong cả nước. Qua ba vòng: Sơ loại, sơ khảo, chung khảo, Ban tổ chức quyết định trao giải cho 37 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm 2 giải Nhất, 5 giải Nhì, 8 giải Ba và 22 giải Khuyến khích. Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao thưởng cho 3 tập thể và 2 cá nhân có nhiều bài dự thi nhất, tặng quà cho 10 nhân vật tiêu biểu được phản ánh qua các tác phẩm đoạt giải...
Đêm giao lưu nghệ thuật tại Hội trưởng Bộ Quốc phòng (Hà Nội) đã thu hút hơn 700 khán giả xem trực tiếp và hàng triệu người theo dõi trên màn ảnh nhỏ. Mọi người vui mừng khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao kết quả giám định AND cho đại diện 4 gia đình liệt sĩ. Thế là từ nay, trong cõi vĩnh hằng thêm 4 liệt sĩ có nơi an nghỉ cuối cùng và về với vòng tay yêu thương, hương khói của người thân.
Ban tổ chức trao 40 sổ tiết kiệm, trị giá 200 triệu đồng cho các Mẹ VNAH và gia đình liệt sĩ khó khăn.
Những giai điệu hào hùng của bài ca cách mạng cùng hình ảnh các mẹ, các chị, thương bệnh, binh dũng cảm vươn lên trong cuộc sống đời thường, vượt khó đi tìm đồng đội chạm tới nhiều trái tim nặng nghĩa, nặng tình.
Trước chương trình giao lưu nghệ thuât, tổng kết cuộc thi, Đại tướng - Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tiếp và nói chuyện với Đoàn đại biểu Mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ, các thương binh, tác giả được giải của Cuộc thi. Đại tướng nhấn mạnh: “Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi đánh giá cao Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Báo CCB Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương đã phối hợp tổ chức Đoàn đại biểu về thăm Thủ đô và tham gia Chương trình tri ân liệt sĩ “Sâu nặng ân tình”. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các Mẹ VNAH, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng...”. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tham gia Ban Giám khảo nhận xét: Nội dung và mục đích Cuộc thi viết vẫn là tri ân liệt sĩ, tri ân người có công. Tuy nhiên, ở những cuộc thi trước “nặng” về gương chiến đấu hy sinh ngoài mặt trận, trong lao tù... Cuộc thi này rộng hơn, cả tiền tuyến, cả hậu phương, cả xưa và nay. Trước đây chỉ viết về gương chiến đấu của những người lính; trong cuộc thi này, viết cả về sự hy sinh thầm lặng nhưng rất lớn lao của các mẹ liệt sĩ, thương binh cùng vợ con và người thân của họ; đồng thời là những gương điển hình tiêu biểu trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” hôm nay. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo tâm sự: Anh hùng lái xe Trường Sơn - thương binh Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương đã tài trợ để Báo CCB Việt Nam và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức Chương trình “Sâu nặng ân tình”, trong đó có Cuộc thi viết là việc làm rất đẹp trong những ngày thiêng liêng này. Tôi luôn ấp ủ một mong muốn rằng; nên chọn một thời khắc, nên chăng là lúc 9 giờ, 9 phút, 9 giây ngày 27-7 hằng năm, tất cả các ngôi chùa và cả nhà thờ ở Việt Nam cùng gióng lên 9 hồi chuông để tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ và những người đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập tự do của nước nhà. Người chết chỉ chết khi chúng ta quên họ, không còn nghĩ đến họ nữa. Chúng ta luôn biết ơn họ thì họ sẽ còn sống mãi. Vì vậy, Chương trình “Sâu nặng ân tình” mang tính nhân văn sâu sắc.
Tô Kiều Thẩm