Với mục đích tri ân gương chiến đấu hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh vì Đất nước độc lập, thống nhất; tri ân, tôn vinh những người mẹ, người vợ... đã cống hiến những người thân thương nhất của mình cho Tổ quốc và tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", cuộc thi đã "động" tới những điều thiêng liêng, cao quý nhất của một đất nước có bề dày lịch sử chống ngoại xâm quật cường nhưng thấm đẫm máu và nước mắt. Bởi vậy, chỉ sau 9 tháng phát động, kể từ ngày 1-9-2016 đến ngày 31-5-2017, Báo CCB Việt Nam đã nhận được 2.158 tác phẩm dự thi. Rồi cả tháng sau đó, hàng chục bài dự thi vẫn tiếp tục được gửi về, và không ít những CCB "mắt mờ, chân chậm" xa hàng mấy chục cây số vẫn đánh đường mang bài thi đến Tòa soạn. Nhưng vì quy chế của cuộc thi, các tác giả đành vui vẻ ra về trong tiếc nuối.
Cũng có lúc, có người thoáng một chút lo lắng, bởi hai phần ba thời gian theo quy định đã trôi qua, mà Tòa soạn mới nhận được hơn ba trăm bài dự thi. Giải tỏa sự lo lắng đó, Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam đã trả lời báo giới, khẳng định: "Tổ chức một cuộc thi cũng không khác một lão nông làm ruộng, cũng phải ươm mầm, gieo cấy, chăm bón..., "ba tháng trông cây, một ngày trông quả"; các bạn tin tưởng chúng ta sẽ có một mùa vàng bội thu...".
Quả là một mùa vàng bội thu thật! Chín tháng, với 2.158 tác phẩm dự thi; chỉ với số lượng tác phẩm dự thi đã khẳng định sức lan tỏa về ý nghĩa, mục đích của cuộc thi đầy tính nhân văn, đạo nghĩa này! Nhưng thành công của cuộc thi không chỉ dừng lại ở số lượng các tác phẩm dự thi. Ban Tổ chức cho biết: Cuộc thi viết "Sâu nặng ân tình" đã thỏa mãn ba nội dung: Viết về ai, ai viết và viết như thế nào?
Trả lời cho câu hỏi viết về ai, các tác phẩm đã tập trung phản ánh ba nhóm đối tượng được Ban Tổ chức cuộc thi thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hầu hêt các bài viết đều khắc họa gương chiến đấu hi sinh lẫm liệt của những anh hùng liệt sĩ, thương binh chưa được lịch sử, sách báo đề cập nhiều; những gương Mẹ VNAH, mẹ - vợ liệt sĩ... suốt đời hy sinh thầm lặng; những gương anh hùng trong chiến đấu, nay tiếp tục tỏa sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu và hoạt động xã hội, thiện nguyện, "Đền ơn đáp nghĩa"... Mỗi nhân vật được các tác giả tiếp cận ở những góc độ khác nhau, nhưng đều thể hiện được Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam. Gương Anh hùng LLVTND Trần Thị Chính trong tác phẩm "Nữ Anh hùng "Ba một", AHLLVTND Phan Văn Quý trong tác phẩm "Người lữ hành lặng lẽ", Anh hùng LLVTND Trần Lê Mãn trong tác phẩm "Lính quân y xung trận"; những tấm gương bình dị mà cao quý của cô giáo Luyến trong tác phẩm "Chuyện cô Luyến", thương binh Nguyễn Thanh Bình trong tác phẩm "Người thương binh vực dậy no ấm một vùng quê", hay thương binh Lê Cao Thạnh trong tác phẩm "Chuyện về anh thương binh mù" và nhiều nhân vật trong các tác phẩm dự thi khác... đã phản ánh toàn diện "chân dung" đối tượng của cuộc thi. Đặc biệt, gương Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Cung trong tác phẩm "Cậu ấm duy nhất của Bí thư Tỉnh ủy" không chỉ là tấm gương chiến đấu hy sinh vô cùng anh dũng mà còn là tấm gương mang tính giáo dục thời đại sâu sắc. Trong bối cảnh nạn "con ông cháu cha" đang gây nhức nhối xã hội hiện nay, thì tấm gương sinh viên Lê Đình Cung - con trai duy nhất của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - Lê Quý Quỳnh, duy nhất một lần nhờ "uy" của bố để được nhập ngũ, vào Nam chiến đấu và anh dũng hy sinh... thật đáng để những ai nhờ ô lọng tiến thân phải xấu hổ.
Cuộc thi đã nhận được tình cảm, sự trân trọng của đông đảo các tác giả, từ các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, đến những cây viết lần đầu thử sức cùng trang viết, dẫu kinh nghiệm viết lách chưa có, nhưng nhiệt huyết lại tràn đầy. Cụ Nguyễn Trọng Đắc là tác giả cao tuổi nhất (94 tuổi), với bài dự thi "Người mẹ ấy". Tác giả nhỏ tuổi nhất là cháu Nguyễn Thị Phương Trang (13 tuổi), với bài dự thi: "Anh hùng LLVT Vừa A Dính". Tác giả Nguyễn Đăng Khoa là thương binh hạng 1/4, bị mù hai mắt, nhưng cảm kích trước sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hoa ở Nghệ An và tâm đắc với cuộc thi đã tham gia với tác phẩm "Mẹ tôi" viết bằng chữ nổi. Tác phẩm đoạt giải Ba của cuộc thi, nhưng "Mẹ tôi" và tác giả, thương binh Nguyễn Đăng Khoa là điểm nhấn, là một trong những nhân tố tạo nên sự khác biệt của cuộc thi.
Không thể không kể tới những đóng góp hiệu quả, đáng trân trọng của những đơn vị, cá nhân có nhiều bài tham gia dự thi. Về tập thể, tiêu biểu có Hội CCB tỉnh Quảng Nam, Hội CCB tỉnh Yên Bái và Hội CCB T.P Hải Phòng. Về cá nhân, nổi lên có tác giả Trần Lê (87 tuổi) với 21 bài tham gia, trong đó có nhiều bài có chất lượng và tác giả Phan Thị Anh Thư với 16 bài. Sự tham gia đông đảo, nhiệt tình, hiệu quả của các tác giả thuộc mọi thành phần, ở khắp mọi miền đất nước là yếu tố quyết định thành công hơn cả mong đợi của cuộc thi. Cũng có vị trong Ban Giám khảo hơi băn khoăn về "chất văn" của một số bài dự thi; nhưng điều đó phù hợp với một trong những tiêu chí của cuộc thi là khuyến khích các tác giả là đồng chí, đồng đội viết về nhau, viết về người thân của mình.
Sau ba vòng chấm thi: Sơ loại, Sơ khảo, Chung khảo, một Ban Giám khảo gồm những nhà báo, nhà văn, nhà khoa học có uy tín: Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; nhà văn, nhà báo Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn, nhà báo Ngô Vĩnh Bình - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà báo Nguyễn Duy Tường - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam..., đã chọn trao giải thưởng cho 37 tác phẩm; gồm 2 giải Nhất cho hai nhóm nội dung, 5 giải Nhì, 8 giải Ba, 22 giải Khuyến khích; 3 giải tập thể cho 3 đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi và 2 tác giả có nhiều tác phẩm dự thi. Lễ tổng kết, vinh danh các cá nhân, tập thể đoạt giải sẽ được tổ chức cùng với Chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, tối ngày 22-7-2017, và được truyền hình trên sóng VTV2.
Khép lại cuộc thi dẫu không mấy "ồn ào", nhưng thật sự "Sâu nặng ân tình". Cũng vì vậy "sức nặng" và ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc của cuộc thi chắc chắn sẽ lan tỏa, tạo được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Duy Nguyễn