Tôi là Nguyễn Văn Cự, sinh năm 1939, thường trú tại số nhà 10+12, đường Nghĩa Lộ, tổ 5, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, T.P Hà Nội. Ngày 18-10-2023, tôi nhập Viện Quân y 103 để mổ đục thủy tinh thể (phẫu thuật Phaco, đặt IOL) thì ngày 23-10 tôi được ra viện.

Bác sĩ (BS) phụ trách buồng tên là Võ Thị H., ngồi trên phòng làm việc của Khoa Mắt, bảo tôi về buồng cầm lên 3 lọ thuốc nhỏ mắt của Viện phát cho tôi sau khi mổ, để theo đó kê đơn mua, về nhà nhỏ tiếp. Lúc đưa thuốc, vì tai bị nghễnh ngãng, không nghe thấy BS H. nói gì, nên tôi cứ “tự nhiên” báo cáo với BS về cách sử dụng cùng lúc 3 lọ thuốc trên - mà người phát thuốc đã hướng dẫn. Sau này nghĩ lại, mới biết mình nói vậy là thừa.

BS H. quay nhìn tôi, hỏi: “Bác có nghe thấy cháu nói gì không?”.

“Tai tôi bị nghễnh ngãng. Mong BS thông cảm”.

BS H. nói thẳng vào mặt tôi: “Bác bị điếc. Nói với người điếc mệt lắm!”

Khi đưa đơn mua thuốc cho tôi, vẫn thái độ cư xử trên, BS H. bảo tôi: “Bác về đi. Nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đã ghi trong đơn”.

Tôi về nhà đã 3 tuần nay mà vẫn còn bị ám ảnh bởi cách ứng xử của BS H. Tôi cứ thắc mắc mãi: Tại sao một nữ BS Quân y - mà Quân y thì thường là được giáo dục, rèn luyện kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ thế mà lại nói năng với người bệnh cao tuổi như vậy! Đến như người dân bình thường, người ta cũng còn biết dùng những từ ngữ tránh làm tổn thương đến nhóm người yếu thế trong xã hội.

Đúng là trong cuộc sống, có nhiều người không may bị mù lòa, câm điếc, què quặt, đần độn, thậm chí bị điên… Nhưng, người ta không nói như BS H., mà thay vào đó là những tính từ: Khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tâm thần… Vì sao? Vì đó là văn hóa ứng xử của người có văn hóa trong một xã hội văn minh.

Ta vẫn thường được nghe trên sân khấu, trong phim ảnh hai từ “tiễn khách”  mỗi khi chủ nhà không muốn tiếp khách nữa. Hiển nhiên, ý bên trong là “đuổi”, nhưng bên ngoài vẫn “tiễn” (theo từ điển “tiễn” có nghĩa đi theo một đoạn, một quãng đường cùng với người ra đi để tỏ tình lưu luyến).

Nhiều người không được học hành cao, không có được vị trí công tác như BS H., nhưng đối với người già cả, họ vẫn biết nói câu “mời về” chứ không nói “về đi”. Vì sao?  Vì họ biết phân biệt ngôi thứ, tuổi tác trong xã hội. Với đối tượng nào thì nói “về đi”. Với đối tượng nào thì phải nói “mời về”...

Từ ngày còn Liên Xô (trước đây), tôi đã đọc được một bài báo với tựa đề “Về Y gì mà chẳng thấy” của họ. Trong đó có câu: “Người thầy thuốc phải biết nói với người bệnh lời nói cần thiết. Phải biết trao cho người bệnh vị thuốc cần thiết. Thiếu một trong hai cái đó thì cái kia sẽ vô ích”.

Liên hệ với những lời của BS H. nói với tôi, tôi thấy cứ buồn buồn...

N.V.C