Dịch bệnh được kiểm soát, công nhân dần trở lại nhà máy làm việc.

Dịch Covid-19 tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát là điều kiện để nới lỏng giãn cách, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Có được thành quả này là cả một quá trình dài chống dịch với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bốn tháng khó khăn căng thẳng vì dịch Covid-19

Bùng phát từ cuối thàng 4 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Nguyên nhân là do Delta - biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, mạnh và đáng sợ nhất đã xuất hiện tại nhiều nơi. Dịch tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và sau là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tác động sâu sắc tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Để đối phó với làn sóng lây lan của dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp phải gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất cho “3 tại chỗ”.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp T.P Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp bước vào một cuộc chiến, toàn bộ nguồn nhân sự, tài chính của doanh nghiệp phải tập trung chuẩn bị từ những việc lớn như chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, lắp đặt khu vệ sinh, bồn nước đến những thứ nhỏ như chăn màn, chiếu ngủ, xô chậu giặt. Sau thời gian tự nguyện triển khai, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Thời gian thực hiện giãn cách kéo dài, nhiều nhà máy “3 tại chỗ” gặp khó khăn, chi phí tăng gấp đôi nhưng công suất giảm một nửa, công nhân muốn về nhà...; đến cuối tháng 9, chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ. Khắp các tỉnh, thành, chợ truyền thống đóng cửa, siêu thị cũng chỉ bán hàng cho lực lượng đi chợ hộ. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên có thời điểm, mớ rau, con cá còn trở thành thứ quý giá đối với mọi gia đình. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến người lao động khi có hàng trăm nghìn người mất việc, hàng triệu sạp hàng hóa của thương nhân tại các chợ truyền thống phải tạm dừng do giãn cách.

CCB Nguyễn Tiến Minh - Giám đốc công ty Hoàng Sơn, tại quận 5 cho biết: Để cố gắng duy trì sản xuất, toàn bộ nguồn nhân sự, tài chính của Công ty phải tập trung chuẩn bị từ những việc lớn đến những thứ nhỏ. Chi phí cho những việc này rất lớn, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với tiền xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. Một công nhân xét nghiệm mất hơn 200.000-300.000 đồng/lần. Cứ nhân số tiền này với số công nhân sẽ ra hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng phải chi thêm mỗi tháng. Vì phải xét nghiệm liên tục 2 hoặc 3 ngày/lần để có giấy thông hành vận chuyển hàng hóa từ các địa phương đến T.P Hồ Chí Minh, chi phí đổ lên doanh nghiệp tăng cao, tài xế không xoay vòng kịp.

Doanh nghiệp, người dân từng bước khôi phục hoạt động

Dịch bệnh dần được kiểu soát, nhiều doanh nghiệp đã và đang bắt đầu đón người lao động quay trở lại làm việc. Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 T.P Hồ Chí Minh thông tin: Từ ngày 1-10 đến nay, số lao động sản xuất “3 tại chỗ” giảm còn 45.000 người, số lao động chuyển sang sản xuất bình thường và bổ sung thêm là trên 57.000 người, ngoài ra có 33.000 lao động đăng ký mới. Như vậy, tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay khoảng 135.000 người, tương đương với 46% số lao động làm việc trước thời gian giãn cách. Hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, tâm lý người dân cũng rất phấn khởi.

CCB Lê Hữu Thanh - Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành cho hay: 4 tháng qua, từ khi ngừng hoạt động, Công ty vẫn trả 50% lương cho người lao động và mỗi tháng phát 1 túi quà thực phẩm thiết yếu cho từng người. Đồng thời, Công ty lập đội phản ứng nhanh để hỗ trợ y tế, chăm sóc cho những người bị nhiễm Covid-19. Đến nay, gần 1.000 người lao động của công ty đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Vì vậy, hơn 700 lao động của công ty đã quay lại sản xuất hầu như đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp CCB khác cũng tự tin khi doanh nghiệp có chính sách chăm lo cho người lao động tốt, nhất là trong giai đoạn khó khăn như đợt bùng phát dịch vừa qua, hầu hết người lao động sẽ tiếp tục tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp, các hộ sản xuất nhỏ tại các làng hoa cảnh ở Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp bắt đầu xuống giống để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. CCB Lương Tấn Tài, trú tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, T.P Cần Thơ cho biết: Người dân trồng hoa sợ nhất là ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giờ đây thời tiết không đáng sợ bằng dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên chúng tôi tự tin chuẩn bị trồng hoa cho vụ mới.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động. Phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, bảo đảm duy trì sản xuất an toàn phòng, chống dịch; xem xét cho mở lại một số dịch vụ cần thiết; quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương. Bộ GTVT bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Võ Hóa