Biến đối tác thành con nợ
Theo đơn, Cty 5 là cổ đông sáng lập của Cty 9-Lai Châu. Nguyên trước đây, Công ty TNHH Xây lắp Trung Kiên (Lai Châu) có một mỏ đá tại xã Sùng Phài, thị xã Lai Châu, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên mời Cty 5 cùng góp vốn liên doanh để thành lập pháp nhân mới là Cty 9. Hai bên cùng xác định giá trị mỏ đá và Cty 5 sẽ góp vốn bằng 50% giá trị mỏ đá nêu trên.
Để đảm bảo cho việc thành lập công ty mới (Cty 9) và gây lòng tin cho Cty 5, ngày 20-1-2008, Agribank-Chi nhánh Lai Châu có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu khẳng định đồng ý cho Cty Trung Kiên vay 3,5 tỷ đồng để góp vốn thành lập Cty 9. Bên cạnh đó, Ngân hàng này cũng yêu cầu Cty 5 phải ký quỹ và chuyển số tiền 560 triệu đồng vào tài khoản của mình (mở tại Agribank-Lai Châu) đảm bảo cho việc thành lập Công ty mới khi đã liên doanh với Cty Trung Kiên. Ngày 21-2-2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cty 9, trong đó Cty Trung Kiên chiếm 50%, Công ty 5 chiếm 49% và ông Vũ Hùng chiếm 1% với 90 cổ phần. Công ty CP mới được thành lập này vẫn do ông Bùi Xuân Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp Trung Kiên) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị-đại diện theo pháp luật.
Ngay sau đó, ngày 7-4-2008, Cty 9 (do ông Bùi Xuân Dũng-Chủ tịch HĐQT làm đại diện) đã ký hợp đồng thế chấp toàn bộ nhà xưởng, mặt bằng mỏ đá và các thiết bị khác của Cty 9 (được định giá 5 tỷ 058 triệu đồng) để vay tiền mua máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo yêu cầu của Agribank-Lai Châu, Cty 5 phải cam kết dùng nguồn tài chính của mình để đảm bảo cho các khoản vay của Cty 9 nếu không thực hiện đúng cam kết vay và trả nợ. Ngày 18-4-2008, Cty 9 đã ký Hợp đồng tín dụng vay của Agribank-Lai Châu số tiền 5,8 tỷ đồng, thời hạn 24 tháng. Theo ông Nguyễn Văn Hội, do địa bàn hoạt động của Cty 9 ở xa nên lãnh đạo Cty 5 chủ yếu giao phó cho ông Bùi Xuân Dũng quản lý đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Đến năm 2012, Cty 5 phát hiện thấy có một số vướng mắc giữa Cty 9 và Agribank-Lai Châu liên quan đến việc vay và trả nợ nêu trên. Vì thế, Cty 5 đã không đồng ý trả nợ thay, vì việc vay và sử dụng vốn không đúng mục đích sản xuất, kinh doanh của Cty 9.
Điều bất thường là không cần sự đồng ý của Cty 5, ngày 6-11-2012, ông Phan Tuấn Nguyệt đã chỉ đạo nhân viên thu giữ máy đào KOMATSU PC200-5 (thuộc sở hữu của Cty 5, trị giá 1,2 tỷ đồng, không thuộc tài sản thế chấp của Cty 9). Việc làm này được Agribank-Lai Châu lý giải là để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ như cam kết. Hành vi này, ông Hội cho rằng, Agribank-Lai Châu đã vi phạm pháp luật vì đây không phải tài sản thế chấp, cũng không phải tài sản Cty 5 đưa ra để cam kết thực hiện nghĩa vụ (chỉ cam kết bằng nghĩa vụ tài chính).
Có dấu hiệu lừa đảo?
Sau nhiều lần làm việc, đối chiếu với các hồ sơ thế chấp, vay vốn của Cty 9 do Agribank-Lai Châu cung cấp, Cty 5 phát hiện có sự khuất tất, trái pháp luật trong việc cho vay này. Theo đó, khoản tiền 560 triệu đồng được Cty 5 ký quỹ tại Agribank-Lai Châu để đảm bảo cho việc thành lập Cty 9 nhưng trong tài khoản không hề có khoản tiền này (tính từ ngày 8-4-2008 đến ngày 14-12-2012). Điều đáng nói, Cty 5 phát hiện thấy ngày 1-8-2008, số tiền này đã được chuyển toàn bộ vào tài khoản của Cty Trung Kiên.
Chưa hết, tiến hành kiểm tra sổ sách, chứng từ tại Cty 9 cũng như tài khoản của Cty này không hề thấy có khoản tiền 5,8 tỷ đồng đã ký Hợp đồng tín dụng với Agribank-Lai Châu. Việc này, ông Bùi Xuân Dũng-Chủ tịch HĐQT Cty 9 cũng khẳng định, cá nhân ông cũng như Cty 9 chưa hề được nhận khoản tiền này (theo Biên bản họp HĐQT ngày 6-12-2012). Đối chiếu với sổ phụ do ngân hàng cung cấp, Cty 5 thấy rằng, ngày 8-5-2008, số tiền 5.829.643.051 đồng đã được chuyển toàn bộ vào tài khoản của Công ty Trung Kiên mở tại Agribank-Lai Châu.
Ông Hội cho rằng, cả hai khoản tiền đã chuyển vào tài khoản của Cty Trung Kiên nêu trên đã được sử dụng để thanh toán nợ gốc và lãi của Công ty Trung Kiên. Và như vậy, mặc dù không được chuyển vào tài khoản của mình một đồng nào nhưng Cty 9 phải chịu lãi của khoản vay trên 5,8 tỷ đồng. Trên sổ phụ của Cty 9 thể hiện hằng tháng Công ty này vẫn phải trả lãi và gốc cho Ngân hàng và cứ có bất kỳ khoản tiền nào của các đối tác chuyển đến thì cũng đều bị Agribank-Lai Châu trừ nợ ngay.
Như vậy, mặc dù không được chuyển vào tài khoản của mình một đồng nào nhưng Cty 9 vẫn phải chịu lãi hằng tháng của khoản vay 5,8 tỷ đồng. Ông Hội cho rằng, hành vi này có chủ định từ trước của Agribank-Lai Châu do ông Phan Tuấn Nguyệt chỉ đạo. Bởi, Agribank Lai Châu đã lừa dối Cty 5 cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu, vì thực tế Cty Trung Kiên đang có nợ xấu, không hề có khoản tiền 3,5 tỷ đồng nào được cấp cho Cty Trung Kiên như đã cam kết. Mục đích của Agribank Lai Châu chỉ nhằm tạo niềm tin để Cty 5 tin tưởng mà đầu tư tiền của vào mỏ đá của Cty Trung Kiên để hai bên thành lập Cty 9. Với thủ đoạn gian dối nêu trên, Agribank-Lai Châu đã đẩy Công ty này lâm vào tình trạng phá sản vì mất hết vốn sản xuất, kinh doanh, tài sản bị Ngân hàng thu giữ trái pháp luật.
“Chúng tôi thấy rằng, đây là hành vi lừa đảo, có chủ định từ trước của Agribank-Chi nhánh Lai Châu do ông Phan Tuấn Nguyệt chỉ đạo. Ai cũng biết, Cty Trung Kiên là doanh nghiệp đang nợ ngân hàng. Thế nhưng ngày 20-1-2008, Agribank-Chi nhánh Lai Châu có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu khẳng định, đồng ý cho Công ty Trung Kiên vay 3,5 tỷ đồng để góp vốn thành lập Cty 9. Sự việc này cho thấy, Agribank-Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã lừa dối Cty 5 cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu”, ông Hội quả quyết.
Thực tế cho thấy, Cty Trung Kiên đang có nợ xấu, không hề có khoản tiền 3,5 tỷ đồng được cấp cho đơn vị này như đã cam kết của ngân hàng. Mục đích của Agribank-Chi nhánh Lai Châu ban hành văn bản trên là nhằm tạo niềm tin để Cty 5 tin tưởng vào sự ủng hộ của ngân hàng mà đầu tư tiền, của vào mỏ đá của Cty Trung Kiên để thành lập Cty 9. Ông Hội cho biết: Với thủ đoạn gian dối nêu trên, Agribank-Chi nhánh Lai Châu (do ông Phan Tuấn Nguyệt chỉ đạo) đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà chúng tôi chuyển vào Cty 9 cũng như số tiền mà Cty 9 được vay để tự ý chuyển sang và trả nợ cho chính Công ty Trung Kiên. Việc làm này không chỉ làm thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của Cty 9, đẩy Công ty lâm vào tình trạng phá sản vì mất hết vốn sản xuất, kinh doanh, tài sản bị ngân hàng thu giữ trái pháp luật, mà còn có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Điều đáng nói, trong lúc giữa Cty 5, Cty 9 đang yêu cầu Agribank-Chi nhánh Lai Châu làm rõ một số vấn đề khuất tất nêu trên thì Ngân hàng này đã ngang nhiên thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị của Cty 9 và bán trực tiếp với giá rẻ (như phế liệu) mà không thông qua đấu giá! Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trên…
Bài và ảnh: Hoàng Thanh