Gia đình anh Lò Văn Sinh, thôn Sơn Thành Thượng (Nậm Khòa) là một trong những hộ có diện tích thảo quả lớn nhất xã với gần 40 ha, trong đó gần 20ha đang cho thu hoạch, còn hơn 20ha đang trong thời kỳ chăm sóc. Anh Sinh ước tính sẽ thu từ 4 - 5 tấn thảo quả tươi; với giá bán như hiện nay, trừ chi phí gia đình anh sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ tiền bán thảo quả.
Anh Đặng Lao Thành, chủ một cơ sở thu mua thảo quả ở thôn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty, chia sẻ: Mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua từ 5 - 6 tạ với giá trung bình từ 60 - 65 nghìn đồng/kg quả tươi. Thảo quả sau thu mua sẽ được sấy khô 2 – 3 ngày, sau đó bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh đến mua với giá hơn 400 nghìn đồng/kg. So với mọi năm, giá thảo quả năm nay cao hơn nên người trồng thảo quả sẽ có thu nhập cao.
Mặc dù giá thu mua thảo quả năm nay tăng cao, nhưng theo một số hộ dân, nhiều diện tích thảo quả chỉ tốt cây chứ không có nhiều quả, quả cứ to bằng đầu đũa là rụng, năng suất giảm hơn so với các năm trước...
Nhiều người cho rằng, hiện nay, việc trồng, chăm sóc cây thảo quả chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân; quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và điều kiện khí hậu; việc đưa KHKT vào canh tác còn hạn chế. Ngoài ra, đa phần diện tích thảo quả thường được trồng sâu trong những cánh rừng có địa hình phức tạp nên cây thảo quả không được chăm sóc thường xuyên... Điều này dẫn đến cây thảo quả có năm cho sai quả, có năm mất mùa.
Đối với những diện tích cho năng suất, sản lượng thấp, phòng sẽ phối hợp với các xã hướng dẫn người dân đối với cây già hoặc cây non nhỏ, khả năng không cho quả trong năm sau thì tỉa sát gốc để giảm bớt sâu bệnh hại cũng như là nấm cho cây. Bên cạnh đó, khuyến cáo bà con dùng thêm phân bón để cây tích lũy đủ dinh dưỡng và cho năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho người trồng thảo quả.
Hoàng Su Phì đang vào mùa thu hoạch thảo quả. Dù sản lượng, năng suất chưa thật được như mong muốn, nhưng loại cây này đã mang lại niềm vui cho người dân vùng cao.
Tiến Lâm