Tuy nhiên, theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đây không phải là việc dễ dàng, vì khoảng cách chênh lệch lương tối thiểu giữa các vùng hiện quá xa, có nơi đến 30%.

Chưa đến 5% doanh nghiệp trả lương dưới mức tối thiểu Thưa bà, thời gian gần đây, nhiều ý kiến đánh giá mức lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay quá thấp, chỉ đáp ứng được 60 đến 65% nhu cầu tối thiểu, quan điểm của bà thế nào?

Tôi không phủ nhận mức lương tối thiểu của chúng ta hiện nay thấp, tuy nhiên để so sánh với một số nước trên thế giới thì sẽ không chuẩn. Với lương tối thiểu, chúng ta cần phải định nghĩa rõ, lương tối thiểu để làm gì?

Thực tế, lương tối thiểu là cái cận dưới, là "lưới đỡ" cho nhóm lao động nghèo, yếu thế, chứ hiện nay rất ít doanh nghiệp trả lương theo mức lương tối thiểu. Theo điều tra của chúng tôi, hiện chỉ có chưa đến 5% doanh nghiệp trả lương dưới mức tối thiểu, hơn 95% doanh nghiệp trả lương theo năng suất lao động.

Hiện có không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bám vào lương tối thiểu để trả cho người lao động...

Đúng là hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đang bám vào lương tối thiểu để trả công cho người lao động, bởi vậy trong quy định chúng tôi đã bắt buộc doanh nghiệp phải trả cho người lao động đã qua đào tạo mức lương cao hơn lương tối thiểu ít nhất 7%.

Tuy nhiên, nếu đổ tại lương tối thiểu thấp là không đúng, bởi như đã nói, nó chỉ là "lưới đỡ" cho lao động yếu thế. Còn mức thu nhập cụ thể thì phải do người lao động và chủ sử dụng thỏa thuận với nhau.

Ở nước ta hiện nay người lao động rất khó mặc cả với chủ sử dụng về vấn đề lương thưởng vì trình độ của người lao động thấp, năng suất lao động tăng quá chậm, chỉ khoảng 0,4%/năm..., khiến mức lương thị trường khó có thể tăng nhanh được. Đó là còn chưa nói tới chuyện đại diện của người lao động chưa đủ mạnh để hỗ trợ họ đàm phán lương.

Nhiều nước trên thế giới không quan tâm đến vấn đề lương tối thiểu vì tiền lương là do thị trường lao động điều tiết. Ví dụ tại Mỹ, hơn 30 năm nay họ không điều chỉnh lương tối thiểu vì bản thân năng lực thỏa thuận của người lao động rất tốt, người ta thậm chí còn không cần đến công đoàn.

*Hàng chục chính sách đang bám vào lương tối thiểu *

Thưa bà, việc chia lương tối thiểu thành 4 vùng và hai loại hình doanh nghiệp như hiện nay có tạo ra sự bất bình đẳng đối với đời sống của người lao động và cạnh tranh thu hút nhân lực trong các doanh nghiệp? 

Chúng tôi đang thực hiện lộ trình sáp nhập lương tối thiểu tới năm 2012 giữa các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề khiến việc sáp nhập khó có thể diễn ra như mong muốn. Có thể, tới năm 2012, mức lương tối thiểu tại vùng 1 của hai loại hình doanh nghiệp là trong nước và FDI sẽ sáp nhập được, nhưng những vùng khác thì rất khó khăn.

Lý do ở đây là, ở những vùng khác khoảng cách giữa hai loại hình doanh nghiệp khoảng 10 - 15% thì dễ sáp nhập nhưng ở vùng 4, hiện thời khoảng cách lương tối thiểu giữa hai loại hình doanh nghiệp là 30%. Đây là khoảng cách quá xa, nếu tăng lương tối thiểu khu vực trong nước lên cao quá để có cùng lương tối thiểu với khu vực FDI thì các doanh nghiệp trong nước sẽ khó thực hiện được.

Ở nước ta hiện có hơn 90% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, tăng một đồng lương đối với những doanh nghiệp này không hề đơn giản chút nào.

Như vậy, để sáp nhập mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp vào năm 2012 là điều không thể thực hiện?

Chúng tôi có đề xuất tới việc đó nhưng cũng đang phải cân nhắc. Bởi hiện tại lương tối thiểu vùng 4 đang gắn với lương tối thiểu chung. Đây cũng là căn cứ để chi trả nhiều loại phụ cấp ở nước ta. Hiện tại có hàng chục chính sách đang bám vào lương tối thiểu, từ chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công, trợ cấp xã hội... đều bám vào lương tối thiểu, bởi vậy khi lương tối thiểu tăng một đồng thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả nhiều nên phải tính kỹ.

Trong thời gian tới chúng tôi muốn tách lương tối thiểu công chức ra thành hệ thống riêng, không đi cùng lương tối thiểu vùng như hiện nay nữa, nhưng việc này mới là đề xuất chưa được chấp nhận.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên quá coi nặng vấn đề lương tối thiểu mà quan trọng hơn là cơ chế thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động như thế nào. Tăng lương cũng phải tính đến khả năng của doanh nghiệp.

Ví dụ, ở khu vực FDI nhiều doanh nghiệp đã báo cáo lỗ trong nhiều năm liền, thuế còn không thu được thì khó có chuyện tăng lương cho người lao động. Thực tế hàng năm, lương của lao động chỉ tăng rất ít, nếu cộng trượt giá vào thì coi như chẳng tăng gì cả.

Vì thế, vấn đề cải cách tiền lương hay tăng lương phải đặt trong tổng thể chiến lược nguồn nhân lực, kể cả chính sách dân số, thể lực người Việt tạo nên năng suất lao động.

*Theo VNEconomy *

A Hoàng