Trở thành đại đội Phó đầu thập niên 50 thế kỷ trước, ông được phân công làm công tác địch vận; sáng tác bài hát “chiến sĩ Tây Bắc” – tác phẩm đầu tay phục vụ kháng chiến. Cuối năm 1953, ông cùng đơn vị đi chiến dịch Trần Đình, đánh địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Theo chủ trương của Bộ chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, rồi lại kéo pháo ra để bảo đảm “tiến chắc, thắng chắc”. Chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi lấy thân mình chèn pháo, không cho lao xuống vực, mọi chiến sĩ đều nêu cao tinh thần “bảo vệ pháo” để chiến thắng quân thù.

Rạng sáng một đêm, Hoàng Vân đang ngủ trong hầm, trời rét thấu xương, bỗng có một con gà rừng từ đâu lao tới, đậu ngay trên nóc hầm vỗ cánh gáy te te vang trong không gian tĩnh mịch. Ngay từ giây phút đó, trong đầu Hoàng Vân hình thành những ý thơ, nốt nhạc, được ghi trong bộ nhớ và sáng tác:

“Gà rừng gáy trên nương rồi,

Dấn bước ta đi lên nào,

Kéo pháo ta sang qua đèo,

Quyết tâm bảo vệ pháo,

Hò dô ta nào...”

Ngay sáng hôm sau, ngồi trên miệng hầm, Hoàng Vân viết rồi sửa lại, mang đàn ra hát, thấy đã hoàn chỉnh, chỉ vài ngày sau, ca khúc “Hò kéo pháo” ra đời. Chính trị viên đơn vị thấy bài hát khá hay, có tác dụng động viên bộ đội, đã yêu cầu Hoàng Vân dạy anh em trong đại đội, và cả tiểu đoàn để mọi người cùng hát.

Một tháng, sau ngày về giải phóng tiếp quản Thủ đô, tại Đại hội Liên hoan Văn nghệ toàn quân tại Hà Nội, tác giả bài “Hò kéo pháo” - Nhạc sĩ không chuyên Hoàng Vân được Ban tổ chức trao tặng giải nhất cuộc liên hoan. Rồi bài hát đầy hào khí anh hùng này được phổ cập rộng rãi khắp miền Bắc XHCN.

Hơn 50 năm qua, bài hát “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân vẫn thường xuyên được phát trên Đài PTTH trong chương trình những Bài ca đi cùng năm tháng; làm cho thính giả, không chỉ những người có tuổi mà hàng triệu CCB, các thế hệ thanh niên nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc, để phát huy truyền thống trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập hôm nay và sau này.

Thao Giang