PV: Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2-2016 do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay là không thể đạt được trong khi nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn. Đề nghị đồng chí cho biết, Chính phủ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không và biện pháp chỉ đạo như thế nào để bảo đảm tăng trưởng và tránh gây áp lực lên lạm phát?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Để đảm bảo tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, đã báo cáo trước Quốc hội và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung khẩn trương triển khai thực hiện. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chínhn, bảo đảm bội chi ngân sách Nhà nước theo kế hoạch. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế, giáo dục, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sang tạo, phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bù đắp phần thiệt hại trong 6 tháng đầu năm. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành còn nhiều tiềm năng trong công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch…
Chính phủ cũng đã đánh giá các mặt cả thuận lợi và khó khăn , thách thức; với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra.
PV: Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ TNMT sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Xin cho biết, đến nay đã có kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung hay chưa? Môi trường biển hiện nay đã an toàn cho đánh bắt thủy, hải sản và các dịch vụ tắm biển chưa? Chính phủ sẽ có phương án như thế nào để sớm khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển dài hàng trăm ki-lô-mét từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ TNMT hiện đang cùng các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ NNPTNT, Bộ Y tế tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng Đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
PV: Ý kiến một số nhà khoa học phản ánh dư luận cho rằng Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình đang được Bộ TNMT xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho Dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng không có trong Quy hoạch sông Hồng, từng bị người dân phản đối. Xin cho biết quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nói trên vì chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và giao Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội khác là đại diện cho lợi ích người dân.Căn cứ đề nghị của Bộ TNMT, ý kiến của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định đề cương của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, trong đó Quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.
PV: Không chỉ vi phạm trên biển, gần đây liên tiếp phát hiện các hành vi chôn chất thải rắn của Công ty Fomosa không đúng quy định, cũng như xảy ra không ít vụ các công ty, nhà máy gây ô nhiễm môi trường… Đề nghị đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này!
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng: Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện. Ngày 20-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước… đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ TNMT cũng vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
PV thực hiện