Chỉ sau vài ngày được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của dư luận quá lớn, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Ngô Văn Tuấn đã có đơn xin quay về UBND tỉnh công tác.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy cơ quan những năm 2010-2015, ông Ngô Văn Tuấn (thời điểm kết luận là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước... Đầu năm 2018, ông Ngô Văn Tuấn phải chịu các hình thức kỷ luật rất nặng như cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Có vẻ như lần này, dư luận đã trở thành một thứ quyền lực mạnh mẽ khiến cho một cán bộ tầm cỡ như ông Ngô Văn Tuấn phải từ bỏ “giấc mơ quyền lực” của mình. Dư luận ở đây là ai? Cơ quan báo chí hay mạng xã hội? Trong việc này, có thể khẳng định sư đồng loạt lên tiếng của nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội đã tạo ra sức ép buộc ông Ngô Văn Tuấn phải xin hủy quyết định bổ nhiệm mình. Và do đó, nhiều người cho rằng, mạng xã hội đã và đang trên con đường trở thành nhánh “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam cho rằng quyền lực Nhà nước là của nhân dân, đó là thứ quyền lực thống nhất không thể chia tách. Trong thực thi quyền lực, có sự phân công, phối hợp, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan công quyền chứ không có quyền lực nào là thứ nhất, thứ hai hay thứ ba. Và do đó, càng không thể có “quyền lực thứ tư” ở Việt Nam. Cái mà chúng ta quen gọi là “quyền lực mạng xã hội” thực chất cũng là quyền lực của nhân dân, là tiếng nói công khai, dân chủ, khách quan của nhân dân được phản ánh qua các phương tiện là mạng xã hội.

Quyền lực luôn thuộc về nhân dân, nhưng đại diện thực thi quyền lực là cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Vì lẽ đó, muốn “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế” thì phải có cơ chế nâng cao sự giám sát của nhân dân đối với hệ thống Đảng và chính quyền. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh từng phát biểu: "Không cách nào chống tham nhũng, cải cách hành chính, nếu không có sự giám sát của nhân dân". Trước đó, khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân từng dẫn ra vụ việc bác sĩ David Dao bị an ninh hàng không của hãng United Airlines lôi xuống khỏi máy bay và đặt câu hỏi: “Vì sao công luận và truyền thông lại biết được sự việc này?”. Ông nhận định: “Là vì hành khách đi cùng sử dụng điện thoại, quay lại cảnh này rồi tung lên mạng. Hãng hàng không sau đó phải xin lỗi và bị hàng triệu người tiêu dùng phản ứng”. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Nếu không có những phát hiện của người dân thì những sự việc tiêu cực, không hay tương tự như thế không thể bị phát hiện. Mà muốn phát hiện được những sự việc như thế trong thời đại ngày nay, người dân cần có các phương tiện nghe, nhìn thông minh”.

Dẫn câu chuyện mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã nêu để thấy rằng, mạng xã hội đã và đang trở thành phương tiện rất quan trọng để phát huy vai trò giám sát quyền lực của nhân dân. Gần đây, một số cơ quan công quyền tìm cách hạn chế quyền giám sát của công dân bằng cách đưa ra những quy định cấm sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình nơi công sở. Lý lẽ đưa ra cũng viện dẫn các quy định của pháp luật nhưng hình như lại quên mất điều căn bản nhất là công chức, viên chức sinh ra để phục vụ nhân dân, nếu họ hành xử đàng hoàng, đúng pháp luật và đạo đức công vụ thì chẳng ai có nhu cầu quay phim, ghi âm làm bằng chứng.

Tất nhiên, người viết bài này hiểu sâu sắc rằng, mạng xã hội là con dao hai lưỡi, với những khu vực trọng yếu cơ mật, khu vực quân sự thì cần phải có quy định cấm mọi hành vi ghi âm, ghi hình để bảo mật. Đó cũng là những điều sống còn của an ninh quốc gia, vì như một chuyên gia quân sự Mỹ từng nói: “Khi bạn dùng mạng xã hội thì kẻ thù đang theo dõi bạn”. Vì thế, để phát huy vai trò tích cực của mạng xã hội, không có cách nào khác ngoài việc có những quy định cụ thể công sở nào phải bảo mật, công sở nào người dân được phép sử dụng các thiết bị công nghệ để thực thi quyền giám sát quyền lực của mình.

Mạng xã hội đúng là dao hai lưỡi, nhưng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cách dùng thông minh nhất là để nhân dân sử dụng điểm tích cực của nó để xây dựng xã hội và cũng chính người dân mới đủ sức loại trừ những mặt xấu độc của nó.

Nguyễn Hồng