Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 23/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp về nội dung này.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và những nội dung chủ yếu của dự án Luật.
Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban Soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, thực hiện khảo sát về việc quản lý rượu, bia, lấy ý kiến về dự thảo Luật tại một số địa phương, tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc và phía Nam để lấy ý kiến và đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, cơ sở kinh doanh rượu, bia, các tổ chức sức khỏe cộng đồng, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên gia về các nội dung của dự thảo Luật.
Ngày 12/4/2019, tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chính phủ đã có Báo cáo số 26/BC-CP ngày 18/02/2019 về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ý kiến thảo luận của ĐBQH đối với dự án Luật; Báo cáo số 195/BC-CP ngày 13/5/2019 về tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33 đối với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 36 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: Giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi là: “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” và một số ý kiến đề nghị lấy các tên gọi khác như: “Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia”; “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” hoặc “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn”; “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia”; “Luật Kiểm soát rượu, bia”; “Luật về rượu, bia”; có ý kiến đề nghị nghiên cứu để tên gọi của dự án Luật bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các tên gọi sử dụng từ “kiểm soát” hoặc “hạn chế” mới nhấn mạnh đến kiểm soát việc lưu hành, phân phối và kinh doanh sản phẩm mà chưa bao hàm biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức và những giải pháp về y tế để hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của rượu, bia, nhằm từng bước thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia có trách nhiệm.
Các tên gọi sử dụng từ “lạm dụng” nhấn mạnh việc điều chỉnh hành vi của người sử dụng rượu, bia ở mức có hại. Bản chất của “lạm dụng” là sử dụng quá mức, quá ngưỡng, với các tên gọi này, một mặt, sẽ tạo ra tâm lý chủ quan của người sử dụng với suy nghĩ chỉ khi lạm dụng mới có tác hại và để đến khi lạm dụng mới phòng, chống thì tính “dự phòng” sẽ không cao; mặt khác, theo Tổ chức Y tế thế giới, không xác định được ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu, bia.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật, tuy mang tính khái quát, bao hàm được cả rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác, nhưng cụm từ này lại chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội (người dân thường nói “uống rượu, bia”, “say rượu, bia” chứ không nói là “uống đồ uống có cồn” và “say đồ uống có cồn”). Mặt khác, theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2, thuật ngữ “rượu” đã bao gồm đồ uống có cồn khác.
Từ những lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất không sử dụng các từ “lạm dụng” hoặc cụm từ “đồ uống có cồn” trong tên gọi của Luật và đề nghị đại biểu Quốc hội cho giữ tên gọi của Luật là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tên gọi nêu trên thể hiện rõ quan điểm phòng ngừa tác hại từ sớm chứ không chỉ ứng phó, khắc phục khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực; không những điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác. Tên gọi như vậy ngắn, gọn, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của nhân dân và nhấn mạnh mục tiêu chính của phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu chỉ đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm “giảm cung”, “giảm cầu” sẽ không bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và chưa thể chế hóa triệt để nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.
Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 3), một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách liên quan đến việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể lộ trình tăng thuế ngay trong Luật và bổ sung chính sách thuế theo hướng mức thuế tương ứng với nồng độ cồn trong rượu, bia.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn nên để pháp luật chuyên ngành về thuế quy định thì sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế, do vậy, xin không quy định trong dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên khuyến khích nghiên cứu khoa học để giảm thiểu tác hại của rượu, bia đối với con người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện tại khoản 5 Điều 3.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), theo bà Nguyễn Thúy Anh, có một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định có nội dung cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 5 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở rà soát, bổ sung, đồng thời thu hút một số quy định có tính chất như quy định cấm tại các điều khác trong dự thảo Luật.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử...; một số ý kiến khác đề nghị hạn chế bằng cách quy định điều kiện như về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bỏ quy định này tại Điều 5 và quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử tại Điều 16 của dự thảo Luật.
Về biện pháp giảm tác hại của rượu, bia (Chương IV), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa; quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 8 Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông, người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau khi chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình và có những điểm mới cơ bản so với pháp luật hiện hành là: Luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quản lý việc kinh doanh rượu, bia theo hướng quy định: quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.
Quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, trong đó quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; quy định về phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nguyễn Hoàng