Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung thể hiện toàn diện, khái quát cao; vừa có tính kế thừa, phát triển, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể vào những lĩnh vực trong dự thảo các văn kiện.

Góp ý về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, các ý kiến cho rằng những năm qua, khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học tự nhiên tiếp tục phát triển các ngành khoa học cơ bản, cũng như những lĩnh vực khoa học và công nghệ liên ngành; khoa học mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ hiện nay chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới.

Cơ bản nhất trí với những mặt đạt được cũng như hạn chế về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện nay, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng phương hướng, nhiệm vụ nêu trong dự thảo văn kiện “Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” là chưa ổn. Theo đại biểu, dự thảo văn kiện cần phải có một sự đánh giá và xác định rõ lại. Bởi các nước dẫn đầu ASEAN hiện nay họ không chờ chúng ta đến năm 2020 hoặc năm 2030.
PV