Một tàu chở dầu của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine gây chia rẽ thế giới với điển hình là thất bại của các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ) tuần qua không ra được Tuyên bố chung. Có thể thấy, các vấn đề chung mang tính cấp bách của thế giới đều đã bị phủ bóng bởi việc chọn bên: lên án Nga hoặc đứng về phương Tây ủng hộ Ukraine. Vậy nhưng, dù lời phát biểu tại các hội nghị có đứng về bên này, bên kia hay cố gắng giữ vị trí trung lập, lợi ích quốc gia của mình vẫn được các nước đặt lên trên hết.

Ấn Độ có thể coi là một ví dụ dễ hiểu nhất khi nói về lợi ích quốc gia trước cuộc khủng hoảng Nga -Ukraine. Là nước chủ nhà của G20, Ấn Độ cố gắng dung hòa những khác biệt của các bên với tư cách là một quốc gia trung lập. Thế nhưng, New Dehli lại là thành viên của Nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ), nhóm tự quảng bá là một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ tập trung củng cố các lợi ích và giá trị chung. Nhóm Bộ tứ dường như có tất cả các yếu tố tạo nên một “NATO châu Á” được xây dựng để kiểm soát và cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Thực tế đã chứng minh giá trị chung đã không được như mong muốn. Do sự phụ thuộc chiến lược sâu sắc của Ấn Độ vào Nga, New Delhi kiên định và công khai thách thức ba thành viên còn lại trong Nhóm Bộ tứ, những nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Moscow. Theo đó, Ấn Độ không chỉ từ chối tham gia các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây áp đặt lên Nga, mà còn tăng gấp đôi việc nhập khẩu dầu giảm giá của Nga, qua đó làm xói mòn uy tín và sự gắn kết của Nhóm Bộ tứ trong quá trình này. Không chỉ bằng hành động, Bộ trưởng Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar còn công khai cáo buộc phương Tây là “đạo đức giả”, đồng thời ủng hộ sự xuất hiện của một “trật tự thế giới đa phương mới” cho phép các quốc gia không thuộc phương Tây tự theo đuổi “các chính sách, sở thích và lợi ích cụ thể”.

Đáng chú ý, Ấn Độ nhập dầu của Nga không chỉ để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo Công ty tình báo dữ liệu Kpler, Ấn Độ đã chuyển khoảng 89.000 thùng xăng và dầu diesel mỗi ngày đến New York vào tháng 1-2023, mức cao nhất trong gần 4 năm. Lưu lượng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp đưa đến châu Âu hàng ngày ở mức 172.000 thùng trong tháng 1, nhiều nhất kể từ tháng 10-2021.

Trường hợp của Ấn Độ cũng là điểm chung của nhiều quốc gia gặp khó khăn khi các lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga lại ảnh hưởng đến các nước thứ ba. Thế nhưng, tuy bao vây, cấm vận Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu vẫn để nhỏ những “ngõ hẹp” để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu từ Nga mà chính bản thân họ cũng không thể ngay lập tức tìm được nguồn thay thế như năng lượng, phân bón, lương thực… Bản thân Hungary là một quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn không tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga bởi Hungary thực sự cần các nguồn cung truyền thống từ Nga đối với các mặt hàng chiến lược của đất nước.

Theo phân tích của Bloomberg, các biện pháp trừng phạt của EU dường như có hiệu quả khi nền kinh tế Nga bị thu hẹp, nhiều ngân hàng và công ty của nước này bị loại khỏi các hệ thống thương mại và tài chính quốc tế. Tuy nhiên, phân tích của Cơ quan giám sát Thụy Sĩ - Trade Data Monitor cho thấy Nga đã thay thế hầu hết các sản phẩm mà họ cần, kể cả những sản phẩm công nghệ cao. Bloomberg lấy ví dụ Kazakhstan, trước khi bắt đầu xung đột, đã xuất khẩu các chất bán dẫn trị giá 12.000 USD sang Nga mỗi năm, nhưng đã tăng xuất khẩu lên 3,7 triệu USD năm 2022. Trong số các quốc gia khác đã tăng xuất khẩu sang Nga hàng nghìn phần trăm mỗi năm có Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia. Vì vậy, nếu năm 2021, Nga mua các vi mạch và mạch tích hợp tiên tiến từ EU và Mỹ với trị giá trung bình 163 triệu USD, thì năm 2022, số tiền này giảm xuống còn khoảng 60 triệu USD, trong khi Đông Âu và Trung Á giúp Nga lấp đầy khoảng trống bằng cách tăng mua các linh kiện công nghệ cao từ phương Tây với trị giá tương tự.

Như vậy, xung đột Nga - Ukraine trở thành ví dụ rõ nét hơn trong việc nhiều quốc gia không chọn bên bởi lợi ích quốc gia của họ là trên hết. Thế nhưng, lợi ích quốc gia cũng không thể tách rời các vấn đề khu vực và quốc tế. Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn là nhiệm vụ chung cần được ưu tiên nhưng đáng tiếc là ưu tiên này chưa được đặt lên bàn nghị sự một cách nghiêm túc.

Thanh Huyền