Mồ hôi và nước mắt người trồng rừng…
Theo đơn của bà Ngô Thị Quý ở số nhà 126, tổ 5, khu 6, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, năm 1995, bà và chồng là ông Vũ Đình Lộc (ông Lộc là hội viên CCB Việt Nam) và gia đình ông Triệu Đức Hương, bà Đoàn Thị Lịch (trú quán tại khu 1, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ cùng nhau vào khu vực Đồng Xóm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ đầu tư làm kinh tế trang trại trên diện tích 9ha đất lâm nghiệp do Lâm trường Hoành Bồ I quản lý.
Đến năm 1997, ông Lộc được Lâm trường Hoành Bồ I quyết định giao khoán 4ha đất để trồng cây ăn quả với thời hạn 40 năm. Cũng giống như ông Lộc, bà Đoàn Thị Lịch được giao 5ha. Vị trí diện tích đất hai hộ được giao nằm cạnh nhau (nhà ông Lộc thuộc lô 2, còn nhà bà Lịch thuộc lô 1), thuộc tiểu khu 92, khoảnh 4. Sau khi được giao đất, hai gia đình đã tổ chức trồng vải thiều và một số cây trồng khác để phát triển kinh tế gia đình...
Giai đoạn đầu, hai gia đình làm ăn với nhau rất minh bạch. Tất cả sổ sách thu chi, hưởng lợi đều ghi chép rất chi tiết, rõ ràng và có chữ ký xác nhận của ông Hương, bà Lịch và ông Lộc, bà Quý...
Đến năm 1998, bà Lịch có đơn xin nhận khoán 113ha đất rừng. Lâm trường Hoành Bồ I đã lập hồ sơ giao khoán trùm lên cả diện tích đất trồng vải của gia đình ông Lộc được giao năm 1997.
Theo bà Quý, khi đó, gia đình bà Lịch có rủ cùng đầu tư trồng keo chung trên diện tích được giao mới, bằng nguồn vốn của Chương trình 327. “Cứ nghĩ rằng, diện tích trồng vải giao trước đó không hề bị chồng lấn, nên gia đình tôi yên tâm tin tưởng cùng đầu tư trồng keo chung với gia đình bà Lịch. Năm 2006 và 2007, diện tích trồng keo đến kỳ thu hoạch, hai gia đình tiến hành thu sản phẩm và diện tích thu keo bà Lịch đã bàn giao lại cho Lâm trường Hoành Bồ; riêng 9ha trồng vải của hai gia đình thì vẫn giữ nguyên, chưa trả vì theo qui định chỉ bàn giao trả đất cho lâm trường khi diện tích cây đã khai thác…”- bà Quý cho biết.
Vẫn theo bà Quý phản ánh, từ năm 2000 đến năm 2007, gia đình bà và gia đình bà Lịch đã thống nhất nhờ ông Nguyễn Đình Thi (em rể bà Lịch) trông coi vườn vải và được hai gia đình trả công cho ông Thi 2.000.000 đồng/năm, đồng thời cho ông Thi canh tác trên khu ruộng 2 mẫu của hai gia đình mua chung phục vụ trang trại. Từ năm 2003, cắt trả tiền công 2.000.000 đồng thay vào đó cho ông Thi thu quả vải và tiếp tục mượn 2 mẫu ruộng canh tác.
Tuy nhiên, đến tháng 4-2014, diện tích 9ha vải bất ngờ bị người nhà bà Lịch chặt phá để chuyển sang trồng cây keo (ảnh). Ước tính có khoảng 420 cây vải bị chặt hạ. Khi vợ chồng ông Lộc-bà Quý đến Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ (tiền thân là Lâm trường Hoành Bồ I) phản ánh, mới hay tin phía Công ty đã ký hợp đồng giao khoán 13,7 ha đất trồng rừng (thuộc tiểu khu 92, khoảnh 4…) cho bà Lịch. Theo hồ sơ giao đất năm 2014, diện tích giao mới bao chiếm lên hết diện tích 4ha đất trồng vải của gia đình ông Lộc được giao năm 1997. Sau nhiều lần thương thuyết, hai gia đình không đi đến thống nhất, bà Quý đã tố cáo bà Đoàn Thị Lịch ra trước cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh về hành vi chặt phá trái phép vườn vải…
Trắng tay vì doanh nghiệp tắc trách?
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Trần Đình Thuận-Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ cho rằng: “Phía Công ty không tìm thấy hồ sơ giao đất năm 1997 của hộ ông Vũ Đình Lộc. Hiện Công ty chỉ lưu giữ sổ giao đất số 61 (năm 1998), có diện tích 113ha đứng tên bà Đoàn Thị Lịch”…
Liên quan đến “Hồ sơ giao đất trồng cây ăn quả của Lâm trường Hoành Bồ I giao cho ông Vũ Đình Lộc” năm 1997, ông Thuận cho rằng: năm 2000, khi Lâm trường Hoành Bồ I bàn giao sổ sách về phía Công ty đã không bàn giao diện tích 9 ha và sổ giao đất của hộ ông Vũ Đình Lộc lại, nên Công ty không biết đến sổ giao đất này.
Tuy nhiên, ông Thuận thừa nhận giữa hộ gia đình ông Lộc và bà Lịch cùng hợp tác đầu tư trồng cây vải chung trên diện tích 9ha (trong đó bà Lịch 5ha, ông Lộc 4ha) nhiều năm qua.
Theo ông Thuận, để xảy ra việc tranh chấp trên là do lãnh đạo lâm trường thời trước đã không giải quyết dứt điểm. Ông Thuận cũng thừa nhận, khi thu hoạch diện tích trồng keo (năm 2006-2007), số diện tích có cây vải trên đất của hai gia đình ông Lộc, bà Lịch không được phía lâm trường thu lại.
Điều đáng nói, mới đây bà Quý phát hiện trong Hợp đồng giao khoán đất trồng rừng cho bà Đoàn Thị Lịch (năm 2014) có dấu hiệu bóp méo sự thật. Theo đó, đơn bà Lịch xin chuyển đổi cây trồng gửi Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ thể hiện có cây vải trên đất, nhưng phía Công ty lại xác nhận hiện trạng diện tích giao khoán là “đất trống”?!
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam về vụ việc này, ông Hoàng Công Đãng-Phó giám đốc Sở NNPTN tỉnh Quảng Ninh cho biết: UBKT huyện ủy Hoành Bồ đã tiến hành thẩm tra, xác minh đơn tố cáo của bà Quý. Trong kết luận có nhắc đến việc giao khoán đất, thanh lý việc giao khoán đất trồng rừng của lâm trường trước đây chưa thật đầy đủ… “Phía Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ nhiều lần làm việc với gia đình bà Quý để đi đến thống nhất cấp trả 4 ha đất ở vị trí khác, nhưng gia đình bà Quý không đồng ý. Đằng sau vụ việc này nó còn có “vấn đề” khác nữa…” - ông Đáng nói.
Bài và ảnh: Doanh Chính-Lê Thanh