Hành động chế tạo khẩu trang phòng dịch từ quần Jeans bị cho là phản cảm - Ảnh cắt từ clip
Chỉ một hành động gạt 2 chai nước ngọt Coca Cola đặt trên bàn tại buổi họp báo về trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Hungary trong khuôn khổ Euro 2020 của danh thủ Ronaldo mà hãng Coca Cola “bốc hơi” mất hơn 4 tỷ USD tiền vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Tại sao Ronaldo có “quyền lực” như vậy ? Các cầu thủ nổi tiếng thế hệ trước không bao giờ có “quyền lực toàn cầu” như Ronaldo, vì thời của họ chưa có mạng xã hội (MXH).
Thời này, một cầu thủ tầm cỡ như Ronaldo với hàng trăm triệu người trên toàn thế giới theo dõi tài khoản mạng xã hội của anh thì “nhất cử, nhất động” của anh đều có thể tác động đến xã hội. Vì thế mà tiền quảng cáo anh nhận được từ mạng xã hội còn lớn gấp nhiều lần mức lương cầu thủ vốn đã rất “khủng” của anh.
Mạng xã hội nói riêng, internet nói chung đã thực sự là “môi trường sống” của con người, một môi trường sống rất mới mẻ. Ở Việt Nam, đã có 2/3 dân số thường xuyên sử dụng internet. Chính môi trường sống ấy, đã tạo ra một thứ “quyền lực” rất mới mẻ.
Trong tiếng Anh, người có ảnh hưởng là Influencer, chỉ những người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng, có khả năng tác động tới suy nghĩ và hành vi của một nhóm người, thậm chí đông đảo cộng đồng. Thực ra, những người có sự ảnh hưởng chính là các KOL (viết tắt các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh "Key Opinion Leader", nghĩa là người có quan điểm mang tính dẫn dắt). KOL có thể là cá nhân hay tổ chức có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hay ngành nghề của họ, như: Chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, ngôi sao thể thao...
Sự ảnh hưởng của họ chính là sự tác động đến cộng đồng bằng những gì được đăng tải trên trang MXH mà họ sở hữu (có thể thuê đội ngũ chuyên gia quản lý, sử dụng). Dẫu MXH là “thế giới ảo”, nhưng những tác động của người nổi tiếng là rất thật. Ví dụ, khi đưa ra một dòng trạng thái, đăng một bức ảnh hay video clip... nào đó lên MXH, những thông tin chữ viết, hình ảnh, âm thanh sẽ tác động đến người đọc, xem, nghe, khiến họ tiếp nhận, phân tích, kiểm chứng, tin và làm theo. Với những chủ tài khoản MXH có dấu tích xanh, họ gần như được mặc định rằng có uy tín, nên những gì họ đăng tải được cho là đúng đắn, chính xác, không phải bàn cãi; dù thực tế, không phải khi nào cũng vậy.
Gần đây nhất, trên tài khoản MXH của nghệ sĩ Đức Hải có đăng một video phản cảm, tục tĩu về “chế tạo” khẩu trang từ việc cắt chiếc quần bò. Việc này dù được cho là “con nuôi” của nghệ sĩ đăng tải, nhưng Đức Hải không thể chối bỏ trách nhiệm, với vai trò là người chủ sở hữu tài khoản và những lời nói, hình ảnh trong video clip là thật. Thế nên, việc NSƯT Đức Hải bị miễn nhiệm vai trò Phó hiệu trưởng không cần bàn cãi nhiều. Đây chỉ là một ví dụ mới nhất về việc mạng ảo, tai họa thật, là bài học đắt giá cho những người sử dụng MXH, nhất là những người có ảnh hưởng.
Cộng đồng mạng Việt Nam thời gian qua xôn xao về những buổi livestream của một nữ doanh nhân. Mỗi buổi livestream của bà này thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, cá biệt có buổi nửa triệu người theo dõi. Đáng tiếc là bà này đã ngộ nhận về “quyền lực” của mình, có những lời lẽ xúc phạm đến nhân phẩm người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc. Sự việc của bà gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan nhà nước về quản lý “quyền lực” trên MXH. Rất nhiều người tỏ ra lo lắng về an ninh mạng, an minh thông tin qua sự việc trên. Nhưng ở một góc độ nào đó, tôi lại cho rằng, sự việc đó có ích cho sự phát triển MXH ở Việt Nam.
Vì sao tôi nói như vậy? Vì rằng, những mặt trái của MXH đã được đề cập đến rất nhiều. Trên diễn đàn của Báo CCCB Việt Nam, bản báo cũng đã đề cập rất nhiều đến tình trạng lộn xộn trên MXH, nhưng các nhà quản lý dường như vẫn chưa xây dựng những công cụ quản lý đủ mạnh.
Sự việc livestream của nữ doanh nhân vừa qua, đã tác động rất mạnh vào nhận thức cộng đồng và nó khiến cho các nhà quản lý không thể im lặng được nữa. Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đối tượng áp dụng: Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: (1) Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; (2) Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; (3) Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Tất nhiên, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là chưa đủ. Rồi đây, các cơ quan nhà nước còn phải tích cực hơn nữa trong xây dựng thể chế, thiết chế quản lý MXH. Nhưng dù chậm còn hơn không, nó khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm an ninh con người. Một vấn đề đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hà Thanh