Dấu hiệu nhận biết bệnh
Theo bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Trung Anh, Khoa khám bệnh, Viện Lão khoa Quốc gia, suy tim có thể mạn tính, hoặc xuất hiện đột ngột thì gọi là suy tim cấp. Đối với suy tim mạn tính, có thể khó thở xảy ra khi gắng sức hoặc nằm. Biểu hiện thường thấy là: Người bệnh mệt mỏi, phù chân, hồi hộp tim đập nhanh; giảm khả năng gắng sức; tăng cân do giữ nước.
Đối với suy tim cấp, triệu chứng tương tự như suy tim mạn tính, tuy nhiên diễn biến đột ngột và tiến triển nặng nhanh; đột ngột khó thở, thở nhanh; hồi hộp, nhịp tim nhanh; đau ngực nếu suy tim cấp do nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây suy tim
Nói về nguyên nhân gây suy tim, theo bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện tim mạch Quốc gia, thì suy tim chủ yếu là do huyết áp cao không điều trị; bệnh cơ tim thiếu máu; nhồi máu cơ tim; bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ); bệnh tim bẩm sinh không điều chỉnh bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch…); viêm cơ tim; cường giáp không điều trị; suy thận mạn tính; loạn nhịp tim kéo dài…
Suy tim là căn bệnh chính ở người già. Vì khi con người già đi, các cơ quan chức năng chuyển hóa không hoạt động, không tổng hợp được tốt dẫn đến dị hóa nhiều nên khó tránh khỏi các bệnh lão hóa của tuần hoàn. Đặc biệt, khi già các tế bào não chết dần đi và không được phục hồi, thêm đó sức khỏe và cơ bắp lại kém, dẫn đến động mạch, tĩnh mạch và tim bị lão hóa. Trong đó, một trong các lão hóa hay gặp ở người già là động mạch vành, động mạch nuôi dưỡng cơ tim bị hẹp lại, dẫn đến cơ tim không co bóp được tốt, làm cho bệnh nhân gắng sức, khó thở, tức ngực khi vận động mạnh.
Ngoài ra, một số bệnh toàn thân như tuyến giáp hoạt động thái quá (nhiễm độc giáp) hoặc kém quá (suy giáp), do thiếu máu; một số nhiễm độc hoặc suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, xơ vữa mạch, bệnh huyết khối, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim cũng là nguyên nhân dẫn đến suy tim.

Điều trị bệnh suy tim
Bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Trung Anh cho biết, thông thường, bệnh nhân suy tim tìm đến thầy thuốc khi họ bị gắng sức, khó thở. Đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Nhưng để chắc chắn, bệnh nhân cần được thăm khám cụ thể. Trước hết là khám lâm sàng, sau đó sẽ triển khai làm các nghiệm hóa, sinh máu. Tiếp đến là tiến hành điện tâm đồ, siêu âm tim. Trải qua tất cả các bước này mới có thể kết luận chuẩn xác là người bệnh có suy tim hay không?.
Thông thường nếu phát hiện suy tim ở cấp độ 1, việc tiến hành phòng tránh bệnh sẽ rất tốt. Còn trường hợp đã suy tim ở độ 2 là cần phải chú ý để điều trị bệnh. Trong điều trị suy tim, cần điều trị triệu chứng chung và điều trị nguyên nhân. Trong những trường hợp tiếp nhận cấp cứu, cần phải xử lý nhanh các triệu trứng suy tim trước bằng các thuốc trợ tim, lợi tiểu…
Đối với bệnh nhân suy tim ngoài điều trị đúng phác đồ của bác sĩ thì điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện thể dục cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh. Bệnh nhân cần hạn chế ăn mặn và uống ít nước tránh việc phù và giữ nước.
Người mắc bệnh suy tim cũng không nên ăn nhiều trong một bữa, mà cần chia nhỏ bữa ăn sẽ tốt hơn. Những người suy tim nặng hạn chế hoạt động thể lực, nghỉ ngơi tại giường nếu cần thiết. Sau đó hoạt động trở lại từ từ có sự theo dõi sát của bác sĩ.
Vũ Minh