Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của cả nước. Có thể doanh nghiệp sẽ không thể vực dậy sau đại dịch nếu không kịp thời có các biện pháp hỗ trợ thiết thực để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp vừa phải phòng, chống dịch bệnh, vừa phải tổ chức duy trì chuỗi cung ứng, nếu ngừng hoạt động thì người lao động mất việc, doanh nghiệp không có lợi nhuận, bị “chặn đứng” dòng tiền và đứng trước khả năng phá sản. Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đều đang cố gắng để có những chính sách hiệu quả, kịp thời nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, giữ vững “thành trì” sản xuất. Trong đó, các chính sách hỗ trợ trong năm 2021 cho doanh nghiệp của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá kịp thời hơn, sát sườn hơn. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ mang tính tạm thời, trước mắt.
Trước tình hình đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất hai nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại. Trước mắt VCCI cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm nhịp độ sản xuất được liên tục, không bị đứt gãy. Đồng thời, ban hành các quy định, biện pháp áp dụng cụ thể để giúp cộng đồng doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lên phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh bị động khi các địa phương giãn cách xã hội, từ đó giúp giảm rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Về lâu dài, việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, cũng như có “hộ chiếu vắc-xin” cho doanh nghiệp là mục tiêu trọng tâm nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Dự báo, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu. Duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Các chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, Chính phủ cần xây dựng chính sách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có thể trụ lại thị trường và vượt lên sau dịch, tiếp cận các gói hỗ trợ đã ban hành theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng cần phát huy nội lực, chủ động chuyển hướng đầu tư, đổi mới công nghệ để kịp thời thế chỗ những điểm bị “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và đi vào giai đoạn phát triển mới.
Tố Hân