Phim nói về một con người giỏi nhiều nghề như: Bác sĩ, Nhà vi trùng học, côn trùng học, nông học, thiên văn học, nhà giáo…vâng ông chính là bác học người Pháp A.Yersin.
Ông đã chọn Nha trang sống và làm việc hơn 50 năm(1891 – 1943). Ngày 27 tháng 2 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer là người đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường thuốc Đông Dương tại Hà Nội ( Đại học y Hà Nội ngày nay), cùng lúc bác sĩ A Yersin được cử làm Hiệu trưởng và khai giảng khóa học đầu tiên, tới nay trường đã tròn110 năm. Cuộc đời Nhà bác học A. Yersin như một huyền thoại, dù ở Nha Trang, nhưng chính ông là ân nhân cứu loài người thoát khỏi đại dịch hạch. Ông đưa cây thuốc, cây cao su vào Việt Nam, người thám hiểm tìm ra Đà Lạt…
Ông Năm là một biểu tượng cao đẹp của Y học hiện đại. Một số thầy thuốc tây y hàng đầu Việt Nam như: Giáo sư (GS) Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Hoàng Đình Cầu cũng “vào vai” trong phim, đã đánh giá rất cao về đóng góp của bác sĩ A.Yersin cho y học Việt Nam cũng như thế giới. Ông vượt lên tất cả mọi gian khó: xa Tổ quốc, xa gia đình, người thân, cống hiến lớn lao cho loài người, nhưng lại yêu đất nước, con người Việt Nam đến mức “gét” nói với ông bằng tiếng Pháp, thích nói tiếng Việt và “ xin được an nghỉ vĩnh viễn nơi đây”. Đáp lại người dân nơi đây đã dành cho ông yên nghỉ trên một ngọn đồi cách Nha Trang gần 20 km, xung quanh là cây xanh và cỏ, hoa. Lúc ông “tạ thế” hiếm có đám tang “ông tây” nào lại được người dân chài Xóm Cồn, Xóm Bóng Nha Trang tiễn đưa ông sang “bên kia” với khăn tang, kèn trống, người nối người dài hàng cây số. Đường phố, công viên, trường học… mang tên ông. Khu mộ, ngôi chùa thờ ông tại Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa và bảo tàng A Yersin được xếp hạng: Di tích lịch sử năm 1990. Viện Pasteur Nha Trang mà ông đã xây dựng và làm việc, giờ đây trở thành trung tâm y tế dự phòng hàng đầu của cả nước.
Theo các nhà làm phim, để nói về A Yersin không biết bao nhiêu tập cho đủ, nhưng nhân ngày thầy thuốc Việt Nam(27/2/1955 – 27/2/2012), muốn gửi tới khán giả những thước phim tư liệu dù ngắn ngủi về bác sĩ A. Yersin. Hy vọng khán giả,nhất là các nhà khoa học sẽ rất thích thú, cảm nhận và khâm phục cốt cách một con người có trái tim nhân hậu, rất tài giỏi, nhưng khiêm tốn, luôn sống tử tế với dân. Kíp làm phim cũng mong muốn thế hệ trẻ ngày nay, hãy noi gương ông cả về đạo đức và công việc, sống tốt và nuôi hoài bão, đó cũng là cách thiệt thực kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trần Công Thi