Chín đoạn, năm thẩm phán và hai thí sinh. Có vẻ như đây là một chương trình truyền hình thực tế. Trên thực tế, vụ việc này tuy còn khá mù mờ, nhưng rất quan trọng, để bắt đầu một quá trình phân định biên giới trên biển ở châu Á theo quy định của pháp luật, chứ không phải theo luật rừng.
Chín đoạn đó do Trung Quốc đưa ra. Họ đánh dấu những gì mà Bắc Kinh nói là tuyên bố lịch sử đối với Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), một vùng đường biển rộng lớn có biên giới với một số nước châu Á khác. Năm thẩm phán đã được chọn để xét xử ở một tòa án mà sẽ xác định tính hợp lệ của tuyên bố đó theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hai thí sinh, đó là Philippines, nước đã kiện ra tòa, và Trung Quốc, nước có đường chín đoạn đang bị thách thức.
Nói đúng ra thì chỉ có một thí sinh bởi vì, mặc dù đã ký UNCLOS, nhưng Trung Quốc không có ý định công nhận thủ tục pháp lý này. Các nước châu Á, trong đó có nhiều nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đang theo dõi vụ kiện này với sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, rất ít nước dám nói công khai nhiều điều vì sợ làm phật lòng Bắc Kinh.
Ý định của Manila là đưa tranh chấp song phương với Bắc Kinh về quyền sở hữu vùng biển và các đảo gần bờ biển của họ ra trọng tài quốc tế. Giáo sư Jerome Cohen, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và quốc tế tại Trường Luật của Đại học New York cho rằng vụ kiện của Philippines đã làm Bắc Kinh bị sốc vì sự táo bạo của nó.
Vụ kiện được đưa ra vào tháng 1/2013 và sẽ có thể phải mất 4 năm để đi qua các khâu trong hệ thống của UNCLOS. Nhưng nó có ý nghĩa tiềm năng rất lớn đối với một khu vực có nhiều tranh chấp lãnh thổ dễ bùng nổ, trong đó có cả tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về các đảo không có người ở ở Biển Hoa Đông.
Philippines đã yêu cầu UNCLOS xét xử về tính hợp lệ của đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra từ năm 1947 để minh họa cho những gì mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ từ lâu đời trên hầu hết vùng Biển Đông. Tuyên bố đó chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cách bờ biển 200 dặm.
Được ký kết vào năm 1982, công ước thực sự có phạm vi hoạt động khá hẹp. Chủ yếu nó bao gồm những hoạt động liên quan đến những vấn đề như liệu một bãi đá có được tính là một hòn đảo hay không, và do đó liệu nó có tạo ra một vùng lãnh hải 12 dặm và vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm. Nhưng vấn đề liệu hòn đảo đó có thuộc nước Y hoặc nước X hay không thì lại không nằm trong phạm vi quyết định của công ước.
Ngay cả khi UNCLOS tuyên bố nó có thẩm quyền để phân xử trường hợp đó, thì vẫn còn có ít nhất ba điều trở ngại sau đây. Trước hết, trái với những gì thường được cho là như vậy, luật pháp quốc tế không phải là một số Newton tuyệt đối mà nó là một bộ qui tắc chung được sự đồng ý của các quốc gia mà nổi lên từ trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và từ thực tế mà nó phản ánh.
Thứ hai, có rất ít “đạo đức” khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, dù cho các nước có lớn tiếng khẳng định quyền không thể để mất chủ quyền như thế nào. Các đường biên giới ngày nay phải dùng đến quân đội và tàu chiến nhiều hơn là sự chính đáng, công bằng.
Trở ngại thứ ba, đó là trường hợp luật pháp quốc tế bị suy yếu bởi một thực tế là Mỹ, nước đã nổi lên trong trật tự thế giới sau chiến tranh, thường đứng bên lề. Ví dụ Washington chưa bao giờ phê chuẩn UNCLOS. Điều đó gây khó khăn khi nói rằng Bắc Kinh phải tuân thủ quyết định của công ước.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là Philípin đã sai trong việc đưa vụ kiện ra tòa, mà nước này đã làm một điều đúng đắn. Nếu Philípin đủ kiên trì, có ngày họ sẽ có thể đi tới đích.
Theo Vietnam+