Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đó là một trong nhiều đánh giá của cử tri, nhân dân trong dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV được cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Dự phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ban, ngành hữu quan.

Tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cả hệ thống chính trị vào cuộc - tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt...

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã khẩn trương hơn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Công ty AIC, sai phạm trong phát hành trái phiếu của một số tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh…; Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới...

Đồng thời, cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, thông qua hoặc điều chỉnh, bổ sung các dự án luật điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); về tăng cường giám sát tối cao đối với các vấn đề, lĩnh vực tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Cử tri và nhân dân cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, song đất nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực và quan trọng nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng; sự tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương; sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Băn khoăn về sức ép lạm phát

Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, sức ép về lạm phát cao không ổn định; số lượng doanh nghiệp phá sản còn cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiếp cận thị trường vốn và tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; cạnh tranh chiến lược do giá nguyên vật liệu vẫn còn ở mức cao, giá dầu, khí vẫn ở mức cao; vấn đề an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng tội phạm lừa đảo ở nhiều lĩnh vực, có tổ chức xuyên quốc gia và có yếu tố người nước ngoài cầm đầu, sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, công ty viễn thông, công ty mua bán điện, nước, cán bộ ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức cá độ trên không gian mạng hoạt động rất phức tạp, tinh vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn trong nhân dân...

Thực sự là tiếng nói của cử tri và nhân dân

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy sự chuẩn bị công phu, đã tổng hợp tư liệu, số liệu, xâu chuỗi nhiều kết quả, sự kiện và vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Góp ý tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải rà soát, cân nhắc để thể hiện rõ được đây thực sự là tiếng nói của cử tri và nhân dân, mọi sự kiện, số liệu đưa ra đều phải mang tính điển hình, tránh đưa vào những nội dung đã cũ; rà soát, sắp xếp bố cục sao cho mạch lạc, logic về nội dung.

Quan tâm đến việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị "bào mòn" sau thời gian chống chịu với đại dịch Covid-19 nên rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các nội dung trong dự thảo báo cáo, tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và nhân dân, đối chiếu rà soát số liệu bảo đảm chính xác và thống nhất, bổ sung các nội dung về các vấn đề giảm tốc tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… để hoàn thiện báo cáo đạt chất lượng cao.

THẢO NGUYÊN