Giảm nghèo bền vững nhờ mô hình “Bốn nhà liên kết”
Một trong những doanh nghiệp tiên phong cho giải pháp này là Công ty cổ phần Traphaco. Những năm qua, Công ty đã lựa chọn chiến lược phát triển “Con đường sức khỏe xanh”, nhằm góp phần phát triển nền "kinh tế xanh", trong đó đặc biệt tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Và sự ra đời của Dự án nguyên liệu xanh (năm 2009) của Traphaco với mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông, không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và chất lượng cho mình mà đồng thời tạo điều kiện cho địa phương giảm nghèo bền vững. Hướng đi này phù hợp với “Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó tổng giám đốc Traphaco Nguyễn Huy Văn, người gắn bó phát triển dự án nguyên liệu xanh ngay từ đầu cho biết, Công ty đang triển khai dự án “Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco” (gọi tắt là Green Plan). Hiện Traphaco có vùng nguyên liệu trên 36.300ha trồng và thu hái đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Năm 2016, sản lượng dược liệu được kiểm soát vùng trồng/thu hái dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO là 2.989 tấn (chiếm 88,4% tổng nhu cầu sử dụng sản xuất là 3.383 tấn bao gồm hơn 100 loại dược liệu), 100% nguyên liệu đầu vào được kiểm soát đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hiện dược liệu nguồn gốc trong nước được thu hái từ các vùng nguyên liệu trong nước trải dài trên 24 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Riêng diện tích vùng trồng dược liệu Actiso, đương quy, chè dây của Traphaco tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đạt hơn 100ha, thu hút gần 700 hộ dân tham gia, giải quyết việc làm bền vững lâu dài cho hơn 3.000 lao động. Theo đánh giá của địa phương, hiệu quả kinh tế của việc trồng Actiso cho Traphaco so với trồng lúa trước đây tăng lên nhiều lần. Traphaco hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cam kết thu mua nguyên liệu với giá cao, giúp họ có nguồn thu nhập khá và ổn định.
Tăng tốc giảm nghèo nhờ dược liệu vàng
Vừa qua, nhãn hàng Boganic của Công ty cổ phần Traphaco đã phát động dự án “Quan tâm tới gan trước khi quá muộn”. Boganic là sản phẩm “thuần Việt”, thuốc bổ gan duy nhất sử dụng 100% dược liệu sạch Việt Nam đạt chuẩn GACP-WHO. Hiện Boganic được sử dụng tại hơn 500 cơ sở điều trị khám chữa bệnh trên cả nước. Sản phẩm kết hợp tối ưu ba vị thuốc quý gồm Actiso, Rau đắng đất, Bìm bìm biếc. Trong đó dược liệu chủ đạo là Actiso được khai thác tại Sa Pa, Bắc Hà. Và Actiso thực sự trở thành dược liệu vàng để hai huyện này tăng tốc độ giảm nghèo trong những năm gần đây. Gia đình anh Hà Seo Sàng, thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình (Bắc Hà) từng là hộ nghèo, thu nhập phụ thuộc vào trồng ngô, lúa. Nhưng từ khi đưa cây Actiso vào trồng thay thế cây ngô (gần 6.000m2), gia đình anh vươn lên thành hộ khá giả. Anh Sàng tâm sự: Trồng cây Actiso không quá vất vả, nhờ đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô. Còn anh Lý Phù Páo, ở Tả Pìn, Sa Pa, chuyển một phần đất trồng của nhà, khoảng 6 sào sang trồng Actiso, cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng, khiến gia cảnh dễ chịu hơn, không còn phải chạy lo cho hai đứa con tiền ăn học nữa.
Chúng tôi được ông Tạ Quang Huy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Hiện Bắc Hà có 50ha trồng dược liệu, đang có kế hoạch phát triển lên 150ha, chính quyền có hợp đồng thu mua đảm bảo đầu ra cho sản lượng thu hoạch. Ông Huy cho biết, mỗi héc-ta trồng dược liệu cho thu hoạch cao gấp 5 đến 10 lần so với trồng ngô, đạt khoảng 50 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Vũ Hùng Dũng khẳng định: "Actiso là dược liệu vàng đối với bà con tại Lào Cai nói chung, Sa Pa và huyện Bắc Hà nói riêng. 70% hộ dân trồng Actiso là người dân tộc thiểu số, phần đông không biết chữ và tiếng phổ thông. Nguồn lợi kinh tế Actiso mang lại khiến tốc độ giảm nghèo của huyện rất khả quan. Nếu các nơi khác trong huyện tốc độ giảm nghèo chỉ 4-5%/năm thì vùng trồng Actiso lên hơn 10%".
Với việc quy hoạch cây dược liệu và thực hiện tốt quy hoạch của các địa phương, đồng thời có sự liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dược liệu đang là cây trồng tiềm năng mở ra một hướng đi mới, góp phần không nhỏ cho việc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bài và ảnh: Quang Vinh