Cán cân năng lượng trên thế giới hiện như sau: dầu 35%, khí 23%, than 26,3%, thủy điện 6,3%, hạt nhân 8,5% và các nguồn khác (địa nhiệt, gió…) 0,9%. Như vậy, nhu cầu dầu khí trong cán cân năng lượng chiếm 58% và nhu cầu của các dạng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch (dầu, khí, than) chiếm hơn 80%. Hiện tại, hằng ngày toàn thế giới tiêu thụ khoảng 87 triệu thùng dầu, trong đó riêng Mỹ tiêu thụ 25%.
Với tốc độ khai thác như hiện nay, nguồn dầu mỏ sẽ cạn kiệt trong vài chục năm tới. Theo thống kê của Tập đoàn dầu khí BP (Anh) thì nguồn dầu khí ở khu vực Trung Đông sẽ cạn kiệt sau 79,5 năm, Mỹ La-tinh sau 41,2 năm và Bắc Mỹ chỉ sau 12 năm nữa.
Chính vì vậy, việc tìm ra các nguồn trữ lượng dầu khí mới cũng như khai thác có hiệu quả tài nguyên dầu khí đã phát hiện là vấn đề tối quan trọng trong chiến lược năng lượng của bất kỳ quốc gia nào. Để tìm ra một mỏ dầu đã khó, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn, nhưng tổ chức khai thác hiệu quả chúng còn tốn kém và khó khăn hơn nhiều. Một nguyên tắc cơ bản nhất trong điều hành quản lý mỏ là khai thác đạt hệ số thu hồi dầu khí cuối cùng cao nhất trong điều kiện kinh tế kỹ thuật cho phép.
Việt Nam đứng vào hàng ngũ các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ từ năm 1986. Những tấn dầu xuất khẩu đầu tiên có ý nghĩa lớn lao đối với nền kinh tế đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới. Đặc biệt việc phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng granite nứt nẻ mỏ Bạch Hổ vào tháng 9-1988 đã đưa ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam vào thời kỳ phát triển mới và trở thành ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, góp phần xứng đáng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước..
Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò đã xác định trữ lượng dầu khí chắc chắn là 1,3 tỷ tấn quy dầu, đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam ước khoảng 2,8 đến 3,6 tỷ tấn quy dầu. Trữ lượng này đủ khả năng đảm bảo phát triển và khai thác bền vững.
Hiện tại Việt Nam đang khai thác 18 mỏ dầu khí, tổng sản lượng đã khai thác 260 triệu tấn dầu thô và 60 tỷ mét khối khí. Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam hiện tại khoảng 16-18 triệu tấn dầu thô và 8-9 tỷ mét khối khí/năm. Trung bình Việt Nam khai thác khoảng 350 ngàn thùng dầu thô/ngày, đứng hàng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, tổng doanh thu của Tập đoàn dầu khí đạt trên 110 tỷ USD, mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, chiếm trung bình 18-20% GDP cả nước. Khí thiên nhiên đã góp phần sản xuất 40% sản lượng điện, 40% khí hóa lỏng và 40% nhu cầu phân đạm của cả nước.
Đặc điểm nổi bật và cũng là thành tựu to lớn của công nghiệp dầu khí Việt Nam là đã phát hiện ra và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granite nứt nẻ.
Việc phát hiện ra thân dầu trong đá móng granite ở mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác ở Việt Nam không chỉ mang lại cho đất nước nguồn tiềm năng dầu khí to lớn mà còn làm thay đổi quan điểm về tìm kiếm thăm dò dầu khí trong đá móng granite và đóng góp to lớn cho khoa học địa chất dầu khí Việt Nam và thế giới. Trước đây, trên thế giới, kể cả các công ty dầu khí hàng đầu, người ta không cho rằng dầu khí có thể tồn tại trong đá móng granite và càng không nghĩ rằng các thân dầu trong đá móng lại phổ biến như vậy. Trong khi trữ lượng dầu trong đá móng trên thế giới chỉ chiếm 2-3% trữ lượng dầu nói chung, thì ở Việt Nam con số này là gần 80%.
Việc khai thác thành công các thân dầu móng granite đã sáng tạo và khẳng định tổ hợp các giải pháp công nghệ để khai thác có hiệu quả một loại thân dầu dạng mới hiếm gặp trên thế giới.
Đồng thời với việc đẩy mạnh công tác thăm dò, khai thác các mỏ mới, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng rất quan tâm đến công tác gia tăng thu hồi dầu. Thân dầu móng Bạch Hổ là một thí dụ điển hình của công tác gia tăng thu hồi dầu ở Việt Nam. Thân dầu bắt đầu khai thác từ năm 1988. Nếu chỉ sử dụng năng lượng tự nhiên của mỏ (khai thác sơ cấp) thì dự kiến chỉ thu hồi được 17% lượng dầu tại chỗ ban đầu. Từ năm 1993 đã bắt đầu ứng dụng khai thác thứ cấp bơm ép nước duy trì áp suất vỉa nâng cao thu hồi dầu. Nhờ đó mà đến nay đã thu hồi được hơn 30% dầu từ móng Bạch Hổ và dự kiến sẽ thu hồi khoảng 40% khi hết giai đoạn khai thác thứ cấp. Dự tính nếu ứng dụng tiếp các biện pháp thu hồi cao cấp cho giai đoạn tam cấp thì có thể khai thác thêm đưọc từ 5-10% nữa từ thân dầu móng mỏ Bạch Hổ.
Ở Việt Nam hầu hết các mỏ đang khai thác dầu ở giai đoạn sơ cấp và thứ cấp tức là mới dùng bơm ép nước duy trì áp suất vỉa và áp dụng gaslift, bơm điện… để khai thác. Hệ số thu hồi dầu cuối cùng trung bình các mỏ ở Việt Nam dự báo đạt khoảng 30-35% khi áp dụng khai thác thứ cấp, là mức ngang tầm với các nước trong khu vực. Một số mỏ đã bắt đầu thử nghiệm khai thác tam cấp ở quy mô nhỏ bằng các phương pháp hóa sinh và đã đạt được kết quả nhất định. Bơm ép khí CO2 là một trong các hướng nghiên cứu ưu tiên nhờ hiệu quả tốt và ý nghĩa tích cực bảo vệ môi trường, giảm nguồn xả khí CO2 ra không khí. Petrovietnam đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng các giải pháp gia tăng thu hồi dầu tam cấp giai đoạn 2011-2015 nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý hiếm của Tổ quốc.
Có thể nói rằng, việc phát hiện ra và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granite nứt nẻ mang thương hiệu Việt Nam và là niềm tự hào của những người làm dầu khí Việt Nam. Nói đến dầu khí Việt Nam là nói đến dầu trong đá móng granite nứt nẻ, nói đến thân dầu trong đá móng granite nứt nẻ là nói đến Việt Nam.
Sau 35 năm phấn đấu và trưởng thành, bằng việc đẩy mạnh công tác thăm dò khai thác, ngành dầu khí Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đó là: Đã có đóng góp to lớn cho khoa học địa chất dầu khí Việt Nam và thế giới; đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô trên thế giới, đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế quốc dân; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành kinh tế mũi nhọn, đồng bộ, đủ sức tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, dịch vụ dầu khí và các hoạt động dịch vụ khác ở trong nước và quốc tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh và chủ quyền quốc gia.
TS. Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí QGVN
TS. Nguyễn Hữu Trung, Chủ tịch Hội CCB Viện Dầu khí Việt Nam