Chiếc trống mới phát hiện mang nhiều đặc trưng của trống đồng Đông Sơn loại muộn, hay trống loại I Hê - Gơ muộn, được chế tạo sau công nguyên vài ba thế kỷ. Chiếc trống này có nhiều đặc điểm tương tự như các trống đồng Hích (Thái Nguyên), trống Na Dương (Lạng Sơn), trống Hà Giang I.

Sự có mặt của trống đồng ở Pắc Nặm xác nhận sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn thời các vua Hùng dựng nước đã lan tỏa và duy trì lâu bền ở vùng cực bắc đất nước, có sự kế thừa và hòa hợp văn hóa giữa các tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Trống được tình cờ phát hiện khi công nhân làm đường đào ở độ sâu cách mặt đất khoảng 1m. Trống có hình dáng cân xứng, lưng hình trụ, chân hơi loe hình nón cụt đã bị gẫy ở phần dưới. Trống có chiều cao còn lại đo được 39cm. Mặt trống khá nguyên vẹn, đường kính rộng 66,5cm. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 12 cánh, xen giữa các cánh sao là những hình lông công cách điệu. Có một lỗ khoan nhỏ hình tròn gần tâm trống có tác dụng như lỗ chỉnh âm.

Mặc dù hoa văn trang trí trên bề mặt trống đã bị mòn và mờ nhiều, nhưng căn cứ vào dấu vết còn lại cho thấy từ trung tâm mặt trống ra ngoài có 16 vòng hoa văn, phần lớn là hoa văn hình học như hình tròn đồng tâm, hình thoi lồng, hình vạch thẳng song song, hình chữ V lồng.

Đáng chú ý có vòng hoa văn hình người trang sức lông chim cách điệu, còn gọi là văn cờ bay, phân bố cách đều nhau, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Gần rìa mép mặt trống còn rõ dấu vết 4 khối tượng cóc đã bị bẻ rời. Dựa vào những dấu vết còn lại cho thấy đó là bốn con cóc đơn ngồi hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Phần thân trống bị vỡ một mảng lớn theo chiều dọc. Tang trống được trang trí nhiều băng hoa văn hình học giống như trên mặt trống.

Trong số 7 băng hoa văn ở phần lưng trống, đáng chú ý là băng hoa văn hình người trang sức lông chim cách điệu rất đẹp chạy vòng quanh lưng trống theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Phần chân trống bị gẫy nhiều chỗ, được trang trí bằng 4 băng hoa văn vạch khắc song song và hình chữ V lồng.

Trống có 4 quai, xếp thành từng đôi, trang trí hình văn thừng. Căn cứ vào đường chỉ đúc ở thân trống, có thể biết trống được đúc bằng khuôn hai mang.

Rải rác ở phần thân trống có những vết thủng hình vuông, đó là dấu vết những con kê đỡ hộp khuôn khi đúc trống. Các hoa văn thể hiện trên trống được tạo bằng kỹ thuật đúc khá điêu luyện./.

Theo Vietnam+