Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa công bố kết quả bước đầu về cuộc khai quật mở rộng tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vào tháng 10 và 11. Đây là cuộc khai quật mở rộng ra ngoài phạm vi khu vực Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu).
Phạm vi khai quật tại nền cũ của điện Kính Thiên, nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đại hậu Lê. Cuối thế kỷ 19, điện Kính Thiên bị người Pháp phá hủy, hiện chỉ còn bậc thềm đá xanh và cặp rồng đá trên 300 tuổi.
Viện Khảo cổ Việt Nam đã thực hiện 4 hố khai quật có diện tích 10-20 m2 và sâu 1-2,5 m, trên diện tích 100 m2, dưới chân hệ thống thềm rồng còn sót lại. Các chuyên gia đã tìm được một số hệ thống dầm, móng tường, nền gạch Bát Tràng, nền gạch vồ... mang đậm phong cách kiến trúc các thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Bên cạnh đó, các mảnh di vật đồ gốm, đồ sành sứ... có niên đại từ thời Lê Sơ tới thời Nguyễn cũng được phát hiện.
Ngoài 4 hố khảo sát trên, các nhà khoa học đã mở rộng một hố khảo sát tại khu vực Hậu Lâu trong quần thể Hoàng thành Thăng Long và tìm thêm được một số móng tường có kiến trúc thuộc thời Nguyễn và thời Pháp thuộc.
Theo đánh giá của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết quả đào thám sát các hố khai quật đã làm rõ diễn tiến của khu vực khai quật từ thế kỷ 15 cho đến nay, đặc biệt là thời kỳ Lê Sơ.
Để đánh giá sát giá trị của điện Kính Thiên, Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết sẽ đề nghị UBND TP Hà Nội được mở rộng phạm vi khai quật tại khu vực được cho là nền điện Kính Thiên cũ trong thời gian tới. Khu vực này từng được sử dụng làm trụ sở chính của Bộ Quốc phòng, sau đó được bàn giao lại cho UBND TP Hà Nội.
Quỳnh Anh (TH)