Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chỉ còn 2 tháng nữa, các địa phương sẽ phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, 63 tỉnh/thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở các mức khác nhau.
Luật Bảo vệ môi trường quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường.
T.P Hà Nội đã thử nghiệm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai. Đến nay, các địa bàn thực hiện thử nghiệm, hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác được triển khai thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, phổ biến những kiến thức quan trọng về tình hình và chính sách quản lý rác thải sinh hoạt... Tuy nhiên, theo công nhân môi trường, khi cán bộ cơ sở của phường dần rút khỏi địa điểm giám sát thì một số hộ dân lại trở về thói quen cũ, không phân loại và tiếp tục bỏ rác sai quy định. Mặc dù công nhân môi trường có nhắc nhở nhưng hiệu quả không cao bằng sự nhắc nhở của chính quyền.
"Gieo hành động, gặt thói quen/ Gieo thói quen, gặt tính cách/ Gieo tích cách, gặt số phận" - lời nhắc nhở này càng đúng trong việc tạo thói quen cho người dân có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Nhìn ra thế giới, đất nước Sigapore vốn nổi tiếng là một trong những quốc gia xanh, sạch nhất thế giới, nhưng để có được thành quả trên, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định “kỷ luật thép” trong bảo vệ môi trường. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000-5.000 đôla và phải lao động công ích. Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, như nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện... Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Ở Việt Nam, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có quy định mức phạt đối với hành vi xả rác nơi công cộng là từ 100 nghìn đến 2 triệu đồng. Mức xử phạt này vẫn ở mức “giơ cao đánh khẽ”.
Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn rác. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%. Trong đó nhiều khu vực chôn lấp chưa hợp vệ sinh, gây tốn tài nguyên đất và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng rác thải này gia tăng hằng năm, gây ra nhiều áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên,việc triển khai phân loại rác tại nguồn là vấn đề khó khăn, nhiều thách thức, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể triển khai thành công trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, lộ trình phân loại rác tại nguồn liên quan đến vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý nên phải có thời gian và nguồn lực đầu tư. Tại nhiều địa phương, khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Dẫn đến thực tế, rác thải đã được phân loại nhưng sau đó vẫn đổ chung vào một chỗ, dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn chưa bền vững. Vì vậy, cần có nguồn lực riêng cho việc thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, từ đó đầu tư đồng bộ các khâu từ phân loại, thu gom đến vận chuyển và xử lý.
Để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng; thường xuyên phân loại rác thải đảm bảo theo đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đồng bộ các yêu cầu về cơ chế, chính sách…, ban hành chế tài cụ thể, có chính sách khuyến khích ưu tiên thực hiện lộ trình để chuyển từ xử lý rác chôn lấp sang hình thức tái chế, tái sử dụng và chuyển hóa thành năng lượng.
Mai Phương