Đối với bệnh cúm:
Sốt: Dấu hiệu của bệnh cúm là sốt. Với bệnh cúm, sốt rất cao. Nhưng sốt còn là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác như viêm đường hô hấp (họng, amidan, viêm tai giữa, phế quản phổi..., nhiễm khuẩn đường tiết niệu...
Cơ thể đau nhức: Nhức mỏi là dấu hiệu khác liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, hãy lập tức nghĩ ngay đến bệnh cúm. Người bệnh cần đề phòng lây lan cho người khác vì bệnh cúm rất dễ lây do tiếp xúc thông thường.
Cảm giác ớn lạnh: Đây là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh. Nếu thấy ớn lạnh thì đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu thấy ớn lạnh, kèm theo sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Mệt mỏi: Hãy lắng nghe cơ thể bạn để biết được mình đang mắc căn bệnh gì, nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi hãy nghĩ đến bệnh cúm.
Đối với cảm lạnh
Hắt hơi: Các triệu chứng như hắt hơi, nói bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì bạn đã bị cảm lạnh.
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi: Đây là một trong số ít các triệu chứng khó phân biệt nhất giữa 2 loại bệnh, tuy nhiên nếu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh đầu tiên, tuy nhiên những triệu chứng này cũng có khi xuất hiện ở cảm cúm. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng.
Cảm giác khó chịu, bứt rứt: Khi cơ thể cảm thấy không thoải mái, khó chịu với tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nặng có thể đau họng - đó chỉ là cảm lạnh, khi đó bạn vẫn có thể làm các công việc ưa thích bình thường. Nhưng nếu bị cúm, người bệnh sẽ kèm theo mệt mỏi, sốt và không muốn làm bất cứ việc gì.
Cách trị cảm lạnh
Nồi nước xông giải cảm (xông hơi): Lá xông gồm lá sả, lá bưởi, lá hương nhu, kinh giới, ngải cứu... Rửa sạch cho vào nồi đậy kín, đun cho nước sôi khoảng 5-10 phút, bắc xuống để trước mặt người bệnh đang ngồi, trên có trùm một cái mền để giữ hơi. Xông xong, dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ. Lưu ý khi xông: Chỉ nên cho mồ hôi ra từ từ, rươm rướm trên da. Không nên xông nhiều lần vì có thể gây ra nhiều mồ hôi dẫn tới cơ thể mất nước.
Trường hợp nào không nên xông? Khi bị cảm sốt và ra mồ hôi nhiều, cơ thể quá yếu thì không nên xông.
Cháo giải cảm: Cháo trắng nấu loãng, thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi hay củ hành, tiêu. Ăn khi nóng và trong lúc ăn nên “tranh thủ” hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì lúc này, tô cháo còn có tác dụng như một nồi xông nhỏ. Thường cảm sẽ khỏi nhanh trong vài ba ngày.
Thành An