Một cảnh trong “Ranh giới”.

“Ranh giới” là một tác phẩm của VTV để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Bộ phim tài liệu này phản ánh cuộc chiến khốc liệt chống lại đại dịch Covid-19 để bảo vệ sinh mạng của các bà mẹ mang thai và các cháu bé sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương, T.P Hồ Chí Minh.

Đây là bộ phim nói được nhiều điều và cũng đã chạm đến được trái tim của không ít người xem. Có lẽ, thành công mà tác phẩm này có được là nhờ vào tính chân thực của nhiều cảnh quay trong đó. Các cảnh quay này lại chân thực là nhờ vào việc khi đã bị cuốn hút vào cuộc chiến để cứu giúp người bệnh, nhiều bác sĩ, nhiều điều dưỡng viên đã quên luôn rằng họ đang được ghi hình để làm phim.

Điều ấn tượng nhất không hẳn là sự tất bật, hối hả của các bác sĩ, các điều dưỡng viên, mà lại là sự to tiếng thuyết phục người bệnh của họ. Dù to tiếng đó, nhưng có biết bao sự yêu thương và tình người được họ dồn nén vào trong những lời mà họ thốt ra!

Tuy nhiên, cũng có một số ít các nhà báo đã cho rằng “Ranh giới” cần phải quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư của các bệnh nhân. Những đau đớn, tuyệt vọng của của các bệnh nhân, những quyết định khó khăn của họ là những thứ rất riêng tư.

Đáng ra những người làm phim nên che mờ khuôn mặt của các bệnh nhân trước khi công chiếu. Tuy nhiên, khi đạo diễn của “Ranh giới” lý giải rằng, nhóm làm phim đã được các bệnh nhân cho phép làm điều đó, thì là đã không có sự vi phạm quyền riêng tư đây.

Tuy nhiên, rõ ràng, những tranh luận như trên là rất lành mạnh. Nó chứng tỏ một sự trưởng thành không chỉ của những người làm truyền thông nói riêng, mà còn của đất nước chúng ta nói chung.

Thật ra, sự băn khoăn về việc đăng tải các hình ảnh của bệnh nhân thì liên quan không chỉ đến quyền riêng tư, mà còn đến phẩm giá của con người.

Tại sao vừa qua tại Vòng chung kết Euro 2020, trong trận Đan Mạch gặp Phần Lan, khi một cầu thủ trong Đội tuyển Đan Mạch bị đột quỵ trên sân cỏ, thì lập tức các cầu thủ khác của Đội Đan Mạch đã đứng quay thành vòng tròn che cho đồng đội của mình không bị các phóng viên chụp ảnh? Họ rõ ràng không hẳn chỉ tìm cách bảo vệ quyền riêng tư của cầu thủ này, mà chủ yếu là bảo vệ phẩm giá của anh ta.

Trong trường hợp nói trên cũng như trong trường hợp của các bệnh nhân ở Bệnh viện Hùng Vương, ngoài quyền riêng tư ra, vẫn còn một thứ quyền khác nữa cần được bảo vệ. Thứ quyền khác nữa đó chính là quyền được tôn trọng và bảo vệ phẩm giá.

Ở nhiều nước văn minh, phẩm giá của con người được coi là giá trị cao nhất. Thậm chí, Khoản 1, Điều 1 của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức còn khẳng định: “Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng, bảo vệ nó là nghĩa vụ của toàn bộ công quyền”.

Cẩn trọng trong việc đăng tải hình ảnh của các bệnh nhân ngay cả khi đã được cho phép chính là để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của họ.

Mặc dù, không có các quy định trực tiếp, luật pháp nước ta vẫn có hàng loạt các quy định gián tiếp hướng tới việc bảo vệ phẩm giá của con người. Các quy phạm của luật hình sự nghiêm cấm việc vu khống, việc làm nhục, việc bôi nhọ, việc xúc phạm danh dự người khác… là những ví dụ cụ thể.

Cuối cùng, những hình ảnh của các bệnh nhân được “Ranh giới” đưa lên màn ảnh, quả thật, chỉ hơi gợn, chứ không ảnh hưởng quá tiêu cực đến phẩm giá của các bệnh nhân.

Tuy nhiên, tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của con người vẫn là lĩnh vực cần được quan tâm nhiều hơn ở nước ta.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng