Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho hay, Bộ đã rà soát nghị định 84 và sẽ trình Chính phủ trong 1-2 ngày tới. Trả lời câu hỏi Nghị định 84 ra đời 3 năm, kinh doanh xăng dầu vẫn chưa theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng Tú cho hay, việc xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ở Việt Nam xuất phát từ một nền kinh tế tập trung bao cấp. Do vậy, việc chuyển đổi đó không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai.
Hiện cả nước có 13 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Petrolimex đang nắm giữ 48% thị phần xăng dầu. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, phải có nhiều đầu mối hơn nữa, xăng dầu mới có thể theo cơ chế thị trường.
Trả lời câu hỏi thời điểm để xăng dầu theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng Tú cho rằng “không thể nói khi nào được”. Việc tiến tới thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào tình hình kinh tế đất nước, trình độ của doanh nghiệp... Theo ông, Nghị định 84 chỉ là một bước tiến, cho phép doanh nghiệp tự định giá trong phạm vi 7%, còn 93% nữa mới theo cơ chế thị trường. "Do đó, trong phạm vi có thể, cần cố gắng để có thể thu hẹp điều này. Nghị định 84 phải thay thế bằng một nghị định nào đó", Thứ trưởng Tú nói.
Vừa qua, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore hạ nhiệt, trong khi đó, giá trong nước vẫn “bất động”. Một số ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với thị trường thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới giảm thì trong nước phải hạ nhiệt và khi giá thế giới tăng cao, người dân sẵn sàng chấp nhận trả tiền “đắt hơn”.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đặt câu hỏi ngược lại: “Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua và hay là vấn đề giá?”. Theo ông, thời bao cấp, giá rất rẻ nhưng không có hàng bán. Đôi khi người dân phải xếp hàng từ nửa đêm để mua. “Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó, tính tới giá cả hợp lý", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo thừa nhận, đúng là dư luận đặt ra câu hỏi giá xăng dầu có minh bạch không, có lên nhanh, xuống chậm không. Mỗi lần điều chỉnh giá đều công bố các yếu tố cấu thành giá và "ai cũng tính toán được", tuy nhiên, theo lãnh đạo Petrolimex, “giá xăng dầu chỉ minh bạch tại thời điểm đó". "Nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch. Vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào”, ông Bảo nói.
Nhìn lại kết cấu giá năm 2012, ông Bảo lấy ví dụ, giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng chỉ tăng 3% so với 2011 nhưng giá xăng bình quân trong nước lại tăng 11%. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch các cấu thành yếu tố giá, trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ông Bảo nhấn mạnh: “Ba dữ kiện này cùng ‘chạy' cả thì rõ ràng ảnh hưởng đến giá cuối cùng”.
Vấn đề thuế trong kinh doanh xăng dầu được thảo luận sôi nổi hâm nóng nghị trường. Lãnh đạo Petrolimex cho rằng, thuế được vận hành thiên về bình ổn giá khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Bảo phân tích, khi giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm thuế về bằng 0%, dẫn đến “đương nhiên giá bán sẽ không theo xu thế thế giới, chỉ tăng vừa phải”. Khi giá hạ thì Bộ Tài chính điều chỉnh thuế, nhưng khi điều chỉnh thuế tăng lên thì cơ hội hạ giá lại không còn. “Do đó, tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này phải thực hiện đúng quy định, là phải ổn định thuế”, ông Bảo nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phản hồi, nếu áp mức thuế 1 năm thì lợi cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhưng người dân thiệt khi tăng giá bất thường. Như vậy đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng là điều hành giá linh hoạt.
Đồng tình quan điểm trên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, cho hay, thuế xuất nhập khẩu xăng dầu thực hiện theo cam kết khi gia nhập WTO là từ 0 đến 40%. Theo ông Tuấn, đây là cơ hội sử dụng công cụ thuế để thực hiện bình ổn giá.
Thừa nhận phải thực hiện đúng cam kết khi gia nhập WTO, song ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng cần đưa ra một mức thuế cố định trong một khoảng thời gian nhất định. Năm 2009, thuế nhập khẩu của Petrolimex nộp cho nhà nước là 11.000 tỷ đồng. Năm 2011 Petrolimex nộp hơn 1.000 tỷ đồng. Nhà nước bù 9.000 tỷ để ổn định giá. Thực tế vài năm gần đây, Petrolimex không thể xây dựng được kế hoạch lợi nhuận và chỉ tiêu ngân sách bởi "giá không ổn định nên không thể làm được điều này".
Bảo lưu quan điểm ổn định thuế, ông Bảo dẫn chứng, các nước như Campuchia, Lào đều áp dụng thu thuế tuyệt đối và rất thuận tiện trong xây dựng ngân sách. "Tâm điểm dư luận bức xúc là tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường. Muốn điều ấy không xảy ra thì phải ổn định giá. Giá lên bao nhiêu thì giảm thuế, và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định", ông Bảo nói.
Để không khí bớt căng thẳng, ông Nguyễn Anh Tuấn xoa dịu, mỗi sắc thuế ban hành thì đều phải được tính toán, lấy ý kiến các đối tượng tham gia với các mục tiêu: động viên ngân sách, là công cụ điều tiết sản xuất, thực hiện điều chỉnh giá… tùy theo từng thời kỳ thì chúng ta tính toán mục tiêu nào là trên hết. Cá nhân ông đánh giá thời gian qua bình ổn giá xăng dầu được thực hiện nhịp nhàng giữa các bộ, ngành. “Tôi xin nói là bình ổn, chứ không phải ổn định, nếu không còn công cụ nào thì phải tăng giá, còn doanh nghiệp phải chia sẻ”, ông nói.
Quỳnh Anh (TH)