Sau sự cố tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, tập đoàn vẫn hoạt động thăm dò, khai thác bình thường trên thềm lục địa của Việt Nam vốn đã được các công ước quốc tế công nhận. Trên cơ sở tuân thủ Luật Biển quốc tế do Liên Hiệp Quốc ban hành từ năm 1982, tập đoàn chủ trương xây dựng kế hoạch khai thác thăm dò dầu khí trên biển Đông hằng năm và hiện vẫn thực hiện đúng kế hoạch đưa ra.

Biển Đông có thể còn nhiều biến động, nhưng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là "bất biến" do đó, quan điểm của tập đoàn là ứng xử bình tĩnh, phối hợp với các bộ ngành liên quan để triển khai đúng kế hoạch khai thác thăm dò biển Đông như kế hoạch.

Theo báo cáo của PetroVietnam, 6 tháng đầu năm tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt gần 12 triệu tấn, trong đó có 7,23 triệu tấn dầu thô, 4,7 tỷ m3 khí. Trong số này, tập đoàn xuất bán dầu thô 7,2 triệu tấn, gồm: xuất khẩu hơn 4,1 triệu tấn, cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất 2,74 triệu tấn, bán dầu thô khai thác ở nước ngoài là 310.000 tấn...

Tính chung, doanh thu của PetroVietnam 340.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 75.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước kế hoạch năm nay, doanh thu tập đoàn 640.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 138.400 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, PetroVietnam tập trung khởi công các dự án như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Tập đoàn cũng sẽ đưa 5 mỏ dầu khí vào khai thác gồm Visovoi-Nhennhexxky (Nga), giai đoạn 2 mỏ Tê giác Trắng và Đại Hùng, mỏ Chim Sáo và Dana lô SK 305-Malaysia.

Hoàng Linh (TH)