Để thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" một trong những mục tiêu chủ yếu của ngành là từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị gia tăng các sản phẩm dệt may.

Nhiều doanh nghiệp may lớn như: Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Đức Giang… đã khẳng định thương hiệu của mình bằng những sản phẩm may mặc chất lượng cao. Ngành dệt may đang triển khai chương trình đầu tư mới kéo dài từ năm 2000 đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình là đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, đặc biệt đối với khâu nhuộm, hoàn tất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên một bước.

Nguyên liệu là khâu quan trọng cho hàng may mặc, trong đó đứng hàng đầu là cây bông. Từ trước đến nay, bông trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của ngành dệt, hằng năm phải nhập khẩu khoảng 250 nghìn tấn. Năm 2000 số ngoại tệ bỏ ra để nhập bông lên tới 385 triệu USD. Sản xuất bông chủ yếu dựa vào nông dân với những cánh đồng bông được trồng, việc tưới nước chỉ trông chờ vào trời mưa, vì thế năng suất thấp, chất lượng kém. Bộ NN và PTNT cho biết, khoảng 5 đến 6 năm trở lại đây, diện tích trồng bông của Việt Nam đã giảm nghiêm trọng. Thời điểm rầm rộ là niên vụ 2002-2003, diện tích trồng bông cả nước đạt 37.000 ha, đáp ứng 10% nhu cầu bông vải. Tuy nhiên, đến năm 2008, đã giảm còn khoảng 3.000 ha, chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập tới hơn 95% lượng bông từ nước ngoài. Các nước sản xuất bông lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin không những có trình độ trồng bông năng suất cao, mà còn có chính sách trợ cấp cho người trồng bông, nên giá bông từ các nước này luôn thấp hơn giá thành sản xuất bông ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 29/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, diện tích trồng bông đạt 30 nghìn ha, trong đó có tưới nước chủ động là 9 nghìn ha, sản lượng 20 nghìn tấn bông xơ; đến năm 2020 là 76 nghìn héc-ta, trong đó có tưới nước chủ động là 40 nghìn héc-ta, đạt sản lượng 60 nghìn tấn bông xơ. Quyết định này cũng nêu rõ ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng được quy hoạch trồng bông tập trung cũng như các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu công nghệ cao. Sẽ thành lập Quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá, bảo đảm lợi ích cho người trồng bông và phát triển ổn định ngành bông. Các đơn vị, tổ chức sản xuất bông được vay vốn với mức lãi suất phù hợp để mua bông hạt sản xuất trong nước cho người trồng bông phù hợp với mặt bằng giá thời vụ.

Những chính sách vừa được ban hành sẽ tạo động lực cho người trồng bông, giúp ngành dệt ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo chủ động trong sản xuất từ khâu bông xơ, vải để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% (vào năm 2012) và 70% (năm 2017).

NGUYỄN HOÀNG