Như hiểu băn khoăn của tôi, mẹ nó giải thích:
- Hôm nay chúng con cho cháu vào Bảo tàng Dân tộc học, tình cờ cháu được xem trò chơi ô ăn quan do Bảo tàng phục dựng lại. Thế là cháu bám rịt lấy xem. Nó thích thú lắm, trên đường về cứ đòi bố mẹ phải chơi với nó. Chúng con thành thực bảo cháu là không biết chơi trò chơi này. Thấy con buồn không nói gì nữa. Bố nó động viên: “Bà nội chơi giỏi lắm”. Thế là nó đòi về nhà ngay.
Ra thế. Trò chơi ô ăn quan thì đúng là ngày tôi đi học cứ giờ ra chơi là mấy đứa con gái lại túm tụm ngồi dưới gốc bàng sân trường chơi. Túi tôi lúc nào chả có một vốc sỏi, ngoài “quân Quan” to hơn, còn lại là “quân Dân” bằng nhau chằn chặn. Trò chơi này rất tiện lợi vì chỉ cần một khoảng sân phẳng đủ vẽ được bàn chơi - ngang chừng 40cm, dọc khoảng 60cm là được. Hai đứa ngồi đối diện vừa chơi vừa hát những bài đồng giao rất cuốn hút. Để thắng được bạn chơi, người chơi không chỉ tính toán nhanh mà còn phải cả “nhanh tay, nhanh mắt” để chọn ô bốc sỏi sao cho “hết Quan tàn Dân” mình thu quân kéo về được nhiều hơn mới thắng...
Biết tâm lý của đám trẻ thích trò chơi này, tôi đồng ý ngồi chơi với cháu ngay. Và chỉ chừng mươi phút chuẩn bị hai bà cháu đã chơi sòng phẳng như hai đấu thủ thực thụ. Nó chau mày tính toán; mắt thì dán vào bàn chơi, say mê đến kỳ lạ... Ván được, ván thua, nhưng cháu tiến bộ rất nhanh, càng những ván sau càng thu được nhiều quân. Cháu hát những bài đồng giao cũng loáng cái là thuộc. Chưa bao giờ hai bà cháu tôi lại chơi với nhau được lâu đến thế.
Tôi nhớ lớp học của tôi ngày xưa, nhưng đứa giỏi chơi ô ăn quan đều là những đứa nhanh nhẹn, hoạt bát, học giỏi. Rõ ràng là trò chơi ô ăn quan không chỉ đơn giản là một trò chơi dân gian mà còn là sự thử thách, rèn luyện trí tuệ. Chả thế mà Mạc Hiển Tích, người đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính Dần, 1086) thời vua Lý Nhân Tông, nói rằng ông đã có một tác phẩm bàn về các phép tính trong trò chơi ô ăn quan và đề cập đến số ẩn của ô trống xuất hiện trong khi chơi. Nó chính là một bài toán có thể giúp ta phát triển suy nghĩ, giác quan, khả năng tính toán nhanh nhạy.
Tiếc quá, bây giờ ô ăn quan nói riêng, các trò chơi dân gian khác nói chung đang ngày một mai một đi, khiến các em học sinh đến lớp học rất đơn điệu và căng thẳng. Mong sao trong chương trình giáo dục phổ thông nước ta sơm khôi phục lại được các trò chơi dân gian để học sinh có môi trường “chơi mà học, học mà chơi” nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nhu cầu vận động của học sinh, như thủa xưa chúng tôi đi học.
Đúng như Nhà thơ Xuân Quỳnh viết trong bài thơ “Thời gian trắng”: Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát/ Những đầu trần, chân đất, tóc râu ngô/ Quá khứ em đâu chỉ ngày xưa/ Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ...
Phạm Hồng Hạnh