Thiếu tướng Võ Sở (bên phải) bên mộ Chính ủy Đặng Tính tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
(Bài dự thi viết “Hào khí Trường Sơn”)
90 tuổi, Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam vẫn lăn lộn tới nhiều vùng miền, về chiến trường xưa, về với đồng đội. Thật khó tin khi một người đã vào tuổi “xưa nay hiếm” mà dấu chân vẫn chưa chịu dừng bước, vẫn bận rộn và hối hả. Mỗi chuyến đi ấy, như thức dậy trong ông những ký ức một thời hoa lửa, hình ảnh về những đồng đội đã ngã xuống và giây phút gặp lại mẹ sau 20 năm… Mắt của vị Tướng can trường lại rưng rưng…
10 năm ở chiến trường, chứng kiến bao tấm gương chiến đấu và hy sinh của đồng đội, để đến hôm nay hồi tưởng lại, ông vẫn rưng rưng. Một trong số đó là trường hợp hy sinh của Đại tá Đặng Tính - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đầu năm 1973, lúc đó Thiếu tướng Võ Sở đang làm Chính ủy Sư đoàn 471 thì nhận được lệnh chuẩn bị đón Đoàn của Chính ủy Đặng Tính đi khảo sát phía Tây Trường Sơn. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Đoàn hành quân đi kiểm tra Mặt trận Pắc Xoòng, tiếp đó dự định sẽ làm việc với Tỉnh ủy của bạn ở Bô Lô Ven. Để bảo đảm an toàn, Sư đoàn 471 đã bố trí hai xe Zin157 có đầu tời đi trước, xe con của Chính ủy Tính và các đồng chí trong Đoàn chạy sau. Bố trí vậy để đề phòng nếu có mìn thì Zin 157 sẽ gây nổ trước. Kế hoạch hành quân tưởng chừng được tính toán kỹ càng, nhưng không ai ngờ…
Chiều ngày 3-4, Đoàn của Chính ủy Đặng Tính lên thăm chốt Pắc Xoòng. Đây là đoạn đường địch rất hay gài mìn đánh xe, nên để đảm bảo an toàn cho Chính ủy, mọi người đề nghị xe ông phải chạy sau và bánh xe sau phải ke đúng bánh xe đi trước. Ở quãng đường bằng, xe sau bám vết bánh xe đi trước, bình an vô sự. Nhưng, đến một chiếc cầu nhỏ, xe của Chính ủy Đặng Tính láng khẽ sang một bên và bánh sau đè phải mìn chống tăng. Mìn nổ, xe bị hất tung một quãng chừng 20m. Chính ủy Đặng Tính và các thành viên trên xe đều hy sinh.
Nén xúc động, Thiếu tướng Võ Sở kể: “Theo chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, chúng tôi huy động tất cả cơ quan quân y, bệnh xá sư đoàn tập trung khâm liệm cho Chính ủy Đặng Tính và các đồng chí hy sinh. Anh Tính hy sinh nhưng thi thể anh còn nguyên vẹn. Dù đã chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng chí, đồng đội, nhưng trực tiếp lo “nghĩa tử, nghĩa tận” với các thủ trưởng, đồng đội của chúng tôi khi đó, không ai cầm lòng được. Chúng tôi khóc vì một nỗi đau oan nghiệt, phũ phàng; khóc để nước mắt tuôn rơi và khóc để nước mắt chảy vào trong. Quả là một nỗi đau không thể nói bằng lời”.
Những ngày tháng 4-1975 lịch sử, đồng chí Võ Sở được Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn giao bám đốc chiến Sư đoàn 471 chuyển nhanh hơn 6.000 tấn đạn pháo lớn và khí tài vật tư bảo đảm cho chiến trường. Trên đường hành tiến vào Sài Gòn, ông được phép về Ninh Hòa thăm mẹ, thăm quê. Ngày 15-4, ông về tới thôn Lạc Ninh, huyện Ninh Hòa, nơi mẹ và chị từng nương náu nhưng lại được tin, mẹ và chị đã về Quảng Ngãi từ hơn một năm trước, nay không biết còn hay mất. Rời Lạc Ninh, ông ngược xe ra Quãng Ngãi. Sốt ruột muốn sớm được gặp mẹ, ông liên tục giục lái xe tăng tốc. “Cuối cùng, điều mong mỏi đến cháy lòng của tôi cũng đã thỏa nguyện. Trưa đó tôi gặp lại mẹ già và người chị thân thương sau 20 năm trời xa cách tại chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Xuống xe, lao vội về nhà, tôi kêu như lạc giọng: “Mẹ ơi! Con đã về đây với mẹ!”. Sau giây phút bàng hoàng như mơ, mẹ và chị ôm riết lấy tôi với vòng tay run lẩy bẩy, rồi mẹ nói: “Thế là mẹ còn sống đến ngày đất nước thống nhất để được gặp con. Tưởng là 2 năm mà đã 20 năm…!”. Nghe lời mẹ, nước mắt tôi trào ra. Nước mắt của niềm vui, hạnh phúc được gặp lại mẹ và chị” - Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.
Trần Hoàng Tiến (Hà Nội)