Y tá trong rừng là thầy thuốc trong chiến tranh. Hình ảnh của họ không chỉ dừng lại ở những chức năng thông thường của việc chạy chữa vết thương, điều trị bệnh tật mà sâu hơn thế, thiêng liêng hơn thế, họ còn là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh cho người lính mỗi khi gặp nạn. Cái dáng phiêu diêu của họ, giọng nói dịu dàng của họ, bàn tay quá đỗi mềm mại của họ, nước da cứ xanh dần theo màu lá rừng của họ bản thân đã là một liều thuốc an thần hữu hiệu nhất trước các vết thương xé toạc thân thể chiến binh. Kể cả những lần địch phong tỏa chưa nhận được thuốc gây mê ở hậu phương gửi vào, không sao, trong động tác cưa xẻ sức người không tài nào chịu nổi đã có giọng dân ca ngọt lịm từ một vùng quê xa ngái thay vào. Em hát mà nước mắt chảy ra. Người thương binh cố nở một nụ cười xệch xoạc nhưng xương quai hàm nghiến trèo trẹo, mồ hôi đổ giọt, các thớ thịt vặn lên...
“Chỉ cần nhìn thấy cô ấy là tớ khỏi một nửa rồi”! Không ít các chiến sĩ bị thương vào sọ, vào ngực, vào bụng, ruột lòi ra, xương gãy nát đã phều phào nói như thế khi nằm mê man trên võng cáng. Có bệnh binh do chịu áp lực quá căng của bom đạn mà mắc bệnh tâm thần. Suốt đêm gào thét, cầm gậy gộc lao vun vút qua những cánh rừng, đầm lầy trong cảm hứng phấn khích xung phong cuồng nộ. Cả trạm đèn đuốc hớt hải chia nhau đi tìm. Sáng hôm sau thấy anh ta nằm ngủ vắt vẻo ngon lành trên một chạc cây cách mặt đất đến cả chục mét như một chú voọc. Tất cả nín thở, giờ chỉ cần một sự đánh động nào đó thôi là tức khắc anh ta sẽ giật mình choàng tỉnh và ngã lộn cổ xuống. Cũng không thể chờ anh ta tự tỉnh được vì chỉ lát nữa thôi, rất có thể một chiếc trực thăng Cá lẹp xiết qua cũng đủ để gây nên một cái chết tức tưởi. Cuối cùng cô y tá trẻ nhất, có giọng nói dịu dàng nhất của Trạm xá đề nghị mọi người cứ lui ra để mặc cô tìm cách. Đó là cách của một tấm lòng Mẹ khi đứng dưới nhìn lên, cô nhẹ cất tiếng ru à ơi theo điệu ru của một vùng đồng bằng Bắc Bộ... Cái ngủ mày ngủ cho ngoan mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về... Điệu ru trộn hoà vào tiếng chim hót đã dần dần làm người bệnh binh tỉnh giấc. Ngơ ngác nhìn quanh rồi nhìn xuống thấy cô y tá, anh mở một nụ cười hiền lành tinh khiết như trẻ thơ rồi từ từ bám vịn cây cành leo xuống. Cô khẽ ôm anh vào lòng, vuốt lại tóc, phủi bụi bám trên đầu trên mặt anh, vẫn là những cử chỉ yêu thương của một người Mẹ. Anh hư lắm đấy... Sao đêm qua anh lại trèo lên đó mà ngủ, ngã cái thì sao... Giờ theo em về lán, xuống suối tắm cái này, lên húp một tô cháo gà rừng này, gà rừng em nấu ngon lắm nhé... Cứ thế, bằng cái giọng thủ thỉ, cô y tá đã đưa người bệnh vượt qua năm cây số đường rừng về đến trạm phẫu.
Trong chiến tranh, con người có khả năng thích nghi kỳ lạ mà nếu có nói ra thì rất dễ thành phản khoa học, dễ làm các vị giáo sư, bác sĩ được đào tạo bài bản phật lòng. Ví như hồi đó, cũng gọi là Trạm phẫu nhưng không có một chút gì gọi là phẫu cả. Vô trùng không, thuốc men không, lán trại không, dụng cụ y tế cũng không nốt. Những trận càn đột xuất mang tính huỷ diệt của kẻ thù giữ được mạng sống đã là may, còn hơi sức đâu mà bùm túm theo đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh nữa. Mà trong khi thương binh cứ vẫn không ngớt chuyển về. Thế là dưới ánh đèn măng sông hoặc đèn pin, đèn bão... người thầy thuốc không găng tay, không áo choàng, quần đùi, cởi trần cứ thản nhiên cắt xẻo, đục đẽo, cưa quáy những phần hư trên thân thể người mà không một ca nào bị nhiễm trùng, bị hoại thư sinh hơi cả.
Lại có chuyện khó tin mà có thật, như trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra, một Đại đội trưởng đẹp trai, có thân hình nở nang như rái cá bị dính nguyên trái mìn Kleymo có 720 viên bi luồn sâu phá nát toàn bộ lục phủ ngũ tạng chắc là không sống được, thực chất đã rơi vào cái chết lâm sàng. Trước khi đem chôn, bác sĩ Trạm trưởng nói với cô y tá vừa từ ở Bắc vào, nước da còn trắng hồng chưa bị những trận sốt rét rừng huỷ hoại lau chùi cẩn thận cho thân thể tử sĩ. Cô gái vừa cúi xuống lau vừa khóc dấm dứt mà không hề biết rằng chàng lính kia vào giờ khắc cuối cùng, như vô thức, đã mở đôi mắt tím bầm, dài dại ra nhìn đời lần cuối để không bao giờ được nhìn nữa lại vô tình đập vào cái màu trắng nôn nao, đầy đặn trên phần ngực con gái vô tình hở ra. Một ý nghĩ vụt loé, điều này đã được minh chứng sau đó do chính miệng anh ta kể lại, chao, cuộc đời còn đẹp còn trắng thế này mà chả lẽ mình chịu chết ư? Và thế là người lính sống lại, nằm viện hết sáu tháng rồi lại trở về đơn vị. Hoà bình hai người gặp lại nhau và dĩ nhiên họ thành vợ thành chồng. Trong lúc trà dư tửu hậu, con người toàn thân chằng chịt những sẹo là sẹo ấy nói vui: “Chính cô ấy hay nói đúng hơn cặp vú trắng như mây trời của cô ấy đã sinh ra mình lần thứ hai”.
Gần đây, vào những năm dưới hai nghìn gì đó, một lần tiếp xúc với vị Trung tướng - Giám đốc Học viện Quân y, nơi đào tạo những bác sĩ tài hoa có mặt trên khắp các chiến trường trọng điểm, được biết chủ trương của Bộ Quốc phòng có kết nối với Bộ Giáo dục là không đào tạo nữ bác sĩ nữa. Tại sao, tôi giật mình hỏi và được nghe câu trả lời thật đơn giản: “Vì trong chiến tranh hiện đại tới đây nếu có, các nữ bác sĩ do đặc điểm giới tính không thể cơ động theo quân đội được”. Như bị tổn thương nặng nề, tôi không thể kìm được giọng: “Quân đội nào thì quân đội, cổ điển hay hiện đại thì hình ảnh những người nữ quân y sĩ là không thể thiếu được. Vấn đề không phải là giới tính hay khả năng cơ động mà con người của họ đã lặn vào máu, vào kỷ niệm tầng sâu trong tâm hồn người lính. Họ không chỉ là một giá trị vật chất mà còn là một giá trị tinh thần góp phần đáng kể vào chiến thắng của các trận đánh, các chiến dịch. Giống như bài Quốc ca, khi nó nhập hồn nhập vía vào từng cột mốc đấu tranh, không ai có thể thay thế được cả”.
Sau đó, chả hiểu có phải do câu nói của một người đã đi qua nhiều chiến trường, nhiều trận đánh hay do các vị quản lý tầng vĩ mô đã giật mình nghĩ lại mà hệ đào tạo các nữ y sĩ, bác sĩ quân y trong nhà trường quân đội vẫn được tiếp tục.
Còn tôi, nếu được nói, nhân danh đồng đội mà nói, thì cuộc chiến tranh dặc dài khốc liệt vừa qua, nếu không có hình bóng các em làm mềm đi chết chóc, làm nhẹ đi đau thương, làm tươi lại những cánh rừng úa héo thì cuộc kháng chiến ấy sẽ nghèo đi biết chừng nào và sự thắng lợi cũng giảm ý nghĩa đi nhiều lắm.
Ý nghĩa nhân văn của những cô gái trong rừng, của cô y tá ở rừng, một nét đẹp một thời và muôn thời đã in dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Đó cũng là phần mềm trận mạc.

Mùa đông 2017
Chu Lai