NSND Phạm Quý Dương sinh năm 1936 ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.
Ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi Xanh đi hát phục vụ đồng bào. Từ đó, người yêu nhạc biết tới giọng hát trầm ấm, sang trọng của Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước. Ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên thai”... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng đầy cảm xúc. Trong những ngày Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam (ông là người hát đầu tiên trên Đài TNVN), thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào.
Những năm 1979 - 1983, Quý Dương được cử đi học thanh nhạc ở Bungaria. Đây là thời gian giúp ông được trang bị Bel Canto, tức phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam. Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông còn là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã tạo dựng được tên tuổi như: Trung Đức, Thuỳ Mỵ, Bích Việt...
Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân Nhà nước trao tặng đầu năm 1993 đã ghi nhận những cống hiến của ông đối với nghệ thuật. Sinh thời, ông từng là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Quỳnh Anh (TH)