Tuần qua, sự kiện hai người từng được “phong thần” trên mạng xã hội là Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố hình sự đã trở thành một trong những tâm điểm chú ý của dư luận. Cú ngã của hai người đang là bài học cho những ai muốn nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng lại sống dựa vào ảo ảnh hình tượng, vi phạm pháp luật.

Mấy năm gần đây, từ KOLs xuất hiện dày đặc trên báo chí và mạng xã hội. KOLs (viết tắt của Key Opinion Leaders) là những người tư vấn chính, người định hướng dư luận có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng. KOLs thường là các chuyên gia, người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu… Họ thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông để tạo sức lan tỏa. Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là hai trong số những người đã từng làm nghề đặc biệt này.

Thu nhập của các KOLs là  khá cao so với mặt bằng chung của xã hội khi  hàng nghìn, hàng vạn đơn vị sản phẩm được bán ra thông qua kênh quảng bá. Có KOLs thu nhập mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thực tế, đa số KOLs hành nghề hợp pháp và trung thực khi quảng cáo sản phẩm. Thế nhưng, cũng đã có không ít KOLs vô tình hay cố ý mà quên đi việc kiểm tra chéo về sản phẩm, đặc biệt là những thứ liên quan đến sức khỏe dẫn tới việc quảng cáo sản phẩm không đúng. Có KOLs vi phạm pháp luật khi tham gia quảng cáo sai, tổ chức các khoá học mang màu sắc đa cấp… Một số người nổi tiếng khi quảng cáo láo đã trở thành người tai tiếng.  

Quang Linh Vlogs (tên thật là Phạm Quang Linh) và Hằng Du Mục (tên thật là Nguyễn Thị Thái Hằng) đều là minh chứng sống cho một thế hệ người nổi tiếng kiểu mới qua mạng xã hội. Họ không qua sân khấu, truyền hình, báo chí “tung hô” mà chỉ cần một chiếc smartphone, gimbal, giọng nói dễ thương, mạng xã hội đã cho họ phương tiện để "truyền cảm hứng", biến viên kẹo Kera có hàm lượng chất xơ ít ỏi, chứa chất sorbitol có thể gây rối loạn tiêu hóa thành sản phẩm "đột phá dinh dưỡng hiện đại", có thể “ăn kẹo thay rau”.

Kẹo Kera không phải là sản phẩm đầu tiên được "thần thánh hóa" bởi người nổi tiếng, nhưng nó là sản phẩm đầu tiên đưa người nổi tiếng ở Việt Nam vào vòng lao lý.

Trước đó, dư luận đã từng “dậy sóng” khi KOLs quảng cáo láo. Nghệ sĩ A.  ca ngợi thực phẩm chức năng trị mất ngủ. Nghệ sĩ B. "mỉm cười" khi dùng sản phẩm hỗ trợ xương khớp. Diễn viên C. cười toe tét khen sản phẩm thuốc chữa đau dạ dày. Hoa hậu D. hùng hồn tuyên bố đã dùng sản phẩm tuyệt hảo… Một số nghệ sĩ sau khi  bị cộng đồng mạng “ném đá” vì quảng cáo lố đã xin lỗi, gỡ bài và… "rút kinh nghiệm".

Người dân tin vào những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có ai ngờ những người này đã "thổi phồng" công dụng của thực phẩm chức năng, dẫn tới  bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách hoặc bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, làm cho bệnh tình thêm nặng. Cách đây 3 năm, vào tháng 4-2022, Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) đã cấp cứu thành công cho một trường hợp sốc phản vệ độ III do sử dụng mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc được nghệ sĩ quảng cáo trên mạng. Sau khi sử dụng nữ bệnh nhân đã có các triệu chứng như lòng bàn chân nóng ran, tim đập nhanh, đau thắt ngực từng cơn và phải nhập viện để điều trị.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ được tổ chức cuối tuần qua, trả lời câu hỏi về chế tài xử lý người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật trên truyền thông, mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Hải Bình khẳng định: Việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo trên mạng xã hội là một hiện tượng rất phổ biến. Để điều chỉnh hoạt động quảng cáo, chúng ta đã có Luật Quảng cáo. Các Bộ, ngành liên quan như Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành các quy định hướng dẫn, kiểm tra và giám sát. Tuy nhiên, trước thực tiễn ngày càng nhiều hình thức quảng cáo mới phát sinh, nhiều nội dung quảng cáo thiếu trung thực, dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Để xử lý các hiện tượng nói trên, Bộ VHTTDL đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quảng cáo, trong đó có Nghị định về quảng cáo. Theo đó, người nổi tiếng khi quảng cáo trên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung quảng cáo liên quan đến sản phẩm mình giới thiệu. Đồng thời, phải xác minh, đảm bảo thông tin minh bạch, trung thực về sản phẩm. Dự thảo Nghị định cũng đang nghiên cứu việc bổ sung chế tài xử phạt, như cấm tiếp tục quảng cáo, hoặc hạn chế hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội, nếu vi phạm.

Hy vọng Nghị định mới về quảng cáo được ban hành sẽ “bịt” được “lỗ hổng” trong quảng cáo tại Việt Nam, những người nổi tiếng chắc chắn sẽ phải thận trọng hơn khi tham gia quảng cáo, bán sản phẩm. Trước mắt, các cơ quan báo chí và người dân cần tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc tiếp nhận thông tin từ quảng cáo.

Anh Minh