Tháng 7 vừa qua, kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), đã có rất nhiều hoạt động kỷ niệm, nhiều chương trình tri ân được tổ chức từ T.Ư đến cơ sở. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tham gia các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” đã gây sự xúc động lớn trong tình cảm của nhân dân cả nước.

Dịp 27-7 cũng là dịp các CCB, nhất là những CCB đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, tổ chức các cuộc gặp mặt truyền thống, vừa là để thăm hỏi, động viên nhau; đồng thời cũng là một cơ hội để thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đơn vị bày tỏ tình cảm tri ân thế hệ cha anh đi trước. Rất nhiều ban liên lạc truyền thống của các đơn vị hoạt động tích cực, có hiệu quả thiết thực, trở thành cầu nối giữa các thế hệ bộ đội trước đây và hiện nay.

Tuy nhiên, với những đơn vị đã giải thể, không còn phiên hiệu thì đó lại là điều bùi ngùi. Một CCB thuộc một sư đoàn “thép” với rất nhiều chiến công trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nay đã giải thể, tâm sự: “Đơn vị giải thể như là mình không còn nhà để về, ngày “giỗ trận”, ngày truyền thống đơn vị hay dịp 27-7, chúng tôi vẫn tự góp kinh phí để tổ chức gặp nhau, vẫn vui nhưng luống ngậm ngùi vì hình như không còn ai nhớ đến mình nữa, liên hoan tự tổ chức giống như  “xôi chấm cơm nếp” vậy !”.

Trong lịch sử ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội ta, theo quy luật thì thời chiến, tổ chức biên chế phình ra; thời bình, tổ chức, biên chế phải tinh gọn lại. Vì vậy, việc giải thể, sáp nhập các đơn vị là chuyện bình thường, là yêu cầu tất yếu. Biết vậy, nhưng với các đơn vị bị giải thể, coi như lịch sử dừng lại, mọi sinh hoạt truyền thống của CCB, vì thế mà cũng bị ngưng đọng vì không còn thế hệ tiếp nối. Với những đồng chí cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương hưu hoặc thương binh, bệnh binh thì còn được thụ hưởng ít nhiều chính sách tri ân của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền cơ sở. Nhưng với những đồng chí phục viên không hưởng lương hoặc chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ, thì hầu như không còn ai nhớ đến, không được thụ hưởng chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” định kỳ nào. “Ngay cả việc tìm kiếm một cuốn sử đơn vị để cho con cháu đọc cũng khó khăn” - một CCB bày tỏ như vậy.

Có thể nói, trải qua 75 năm thực hiện Ngày Thương binh - Liệt sĩ; ngày 27-7 đã trở thành dấu mốc vô cùng quan trọng, làm dày thêm, đầy thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Qua 75 năm thực hiện đạo lý tốt đẹp ấy đã hình thành nên giá trị đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc, đó là giá trị của lòng tôn kính, tri ân những người có công với nước. Mà những CCB ở các đơn vị bị giải thể chính là những con người thật sự có công, những con người mà theo năm tháng sẽ ngày càng hiếm.

Cho nên, trong chính sách, chương trình, dự án tri ân nhân dịp 27-7 hằng năm, rất cần có sự quan tâm của cơ quan chức năng đến đối tượng này. Cụ thể ở đây là Bộ LĐTBXH, trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hoạt động tri ân, cần chú ý đến đối tượng CCB ở những đơn vị đã giải thể.

Vừa qua, bên cạnh các chương trình, hoạt động tri ân thiết thực thì cũng còn có những chương trình hoành tráng, tốn kém ngân sách Nhà nước, nhất là những hoạt động lễ hội “Uống nước, nhớ nguồn” gắn với những chương trình nghệ thuật, thể thao gắn với thương mại. Dư luận chung cho rằng, đã là hoạt động tri ân thì không nên ồn ào, nên thiết thực, đúng đối tượng.

Các CCB thuộc các đơn vị đã giải thể là những người có công với đất nước. Hầu hết trong số họ đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, rất cần có sự quan tâm của cơ quan chức năng trong việc tìm ra nơi “neo đậu truyền thống”.

Đó cũng là một cách tri ân thiết thực!

Hậu Thanh