Cậu lái xe nhảy xuống vội vàng đi về phía sau vén bạt, mở cửa hậu. Những đồ đạc, vật dụng được đóng gói cẩn thận đang chờ trước cổng. Mỗi người một tay, chỉ loáng cái, mấy người hàng xóm đã giúp ông xếp gọn lên xe.
Ngày giờ ra đi ông Đức xem sách từ tháng trước, vì thế ông có gần tháng trời để chuẩn bị cho chuyến dời cư đầu tiên của con cháu. Bán đổ bán tháo nhà cửa đất đai vườn tược – những tài sản, các cụ để lại, ông là người được thừa kế, những thứ gắn bó máu thịt với ông gần trọn đời người, để rồi đang tuổi xế chiều, ông phải khăn gói tới một miền xa, xa lắc xa lơ – nơi mà đến giờ phút này ông cũng chưa thể hình dung nó ra làm sao.
Mười năm mòn mỏi phấp phỏng chờ trông. Thằng cháu đích tôn đã gần tròn tháng tuổi, bà Đức vào trong ấy khi được tin cái thai trong bụng con dâu là trai hơn nửa năm nay rồi. Ông Đức không thể cứ ngồi ngoài này chờ, mừng vui sung sướng trong sự im lặng mường tượng.
Con trai ông tên là Đạo, liên tục gọi điện giục giã; bà vợ ông đã ra vẻ xuôi chiều. Trao đổi với bà con hàng xóm, thấy ông được vào chỗ sung sướng hưởng lộc của con cái nên không một ai có lời bàn. Thôi thì nó là cái số cái phận của mình, nghĩ thế nên ông Đức gạt bỏ mọi suy xa tính gần. Những ngày gần đây trong đầu ông luôn hiện lên một thằng cháu đích tôn bụ bẫm, đôi tay khua khoắng, đôi chân đạp đạp, mắt nhìn, miệng nhoẻn cười với ông.
Trước khi xe chuẩn bị lăn bánh, một chị hàng xóm mang ra một bó chè tươi – miền quê ông gọi là chè chát, hái từ vườn nhà đùm trong lá chuối nói nhờ ông mang vào biếu bà. Một ông bạn thơ tặng ông bộ ấm chén pha trà, vật kỷ niệm gắn bó với mấy ông bạn già trong làng, sáng sáng nhấm nháp chén trà ướp hương nhài bình thơ, đàm đạo chuyện đời. Một cậu thanh niên đỡ ông lên ngồi trên ca-bin xe, còn cô con gái út và mấy đứa cháu ngoại khi xe bắt đầu lăn bánh mới thút thít khóc.
Nghe bà kể qua điện thoại, ông không thể hình dung ra cơ ngơi bề thế của thằng con: Một tòa biệt thự giống bên Tây, lừng lững. Bao quanh là một khu vườn rộng mát rượi xum xuê cây lá. Những cây cảnh, chậu cảnh, bồn hoa đủ sắc màu. Những hòn non bộ, với hồ rộng thả sen, những bức tượng người bán thân, toàn thân soi bóng bên hồ. Con đường vòng quanh vườn được lát gạch men hình lục giác, từng quãng có có đặt ghế đá đen bóng… ông Đức cứ ngơ ngác nhìn, như lạc vào chốn thần tiên.
Bán gia cư điền sản được hơn trăm triệu, vốn tính cẩn thận ông bảo Đạo đem gửi tiết kiệm. Đạo lại bảo không đáng bao nhiêu, bố cứ để đấy khi cần lấy tiêu vặt cho tiện; lại càng làm ông chưa hết ngơ ngác lại ngạc nhiên đến ngớ cả người…
Căn phòng khép kín rộng gần ba mươi mét vuông đầy đủ tiện nghi, Đạo dành riêng cho hai ông bà. Số đồ đạc vật dụng ông Đức mang vào bị bỏ lăn lóc nơi góc nhà để xe ô tô, có nguy cơ trở thành đồ phế thải. Đạo không thể hiểu nổi thứ mà ông coi là “cổ lỗ sĩ” đã gắn bó với ông, trở thành những kỷ vật ông không nỡ rời bỏ. Bó chè xanh gần úa vàng chuyển sang héo khô, còn bộ ấm chén trà thì vẫn “đóng gói” nơi góc bàn. Mấy loại giấy sinh hoạt đoàn thể ông bảo Đạo đi nạp để ông được sinh hoạt sớm, Đạo lại bảo: “Bố cứ từ từ không việc gì phải vội, ti vi đầu đĩa và máy vi tính đã nối mạng, để con hướng dẫn cách sử dụng; bố tha hồ xem, tha hồ đọc truy cập tin tức đa chiều toàn cầu, khỏi cần phải sách với báo. Còn tập huân chương, giấy khen, bằng khen, nhà không có chỗ treo, bố để con “cóp” vào máy, cần xem bố cứ bấm nút là toàn bộ hiện lên màn hình”.
Ông Đức quắc mắt nhìn Đạo:
- Anh không được nói năng như thế, toàn bộ những thứ này là kỷ niệm gắn với một thời vào sinh ra tử của bố trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ông Đức nhắc lại việc nạp giấy cho ông sinh hoạt đoàn thể, Đạo lại bảo:
- Bố ạ, trong này toàn người xa lạ; người thành phố không như người nhà quê, nhà nào biết nhà nấy. Bố đi sinh hoạt vừa mất thì giờ lại thêm lạc lõng. Hay nhất là bố cứ ngồi nhà, chán xem màn hình thì ra vườn dạo mát thưởng ngoạn; cần di dạo phố, con cho xe đưa đi, tất tần mọi việc trong nhà đã có “ô-sin”, bố mẹ khỏi bận tâm…
Nghe Đạo nói, ông Đức chỉ còn biết giấu kín nỗi thất vọng vào lòng.
Đứa cháu gái 12 tuổi ỏ một phòng riêng trên tầng 2, ngày thường sáng đi tối về, chủ nhật cũng thấy chúi đầu vào học. Hai ông cháu chỉ mới “làm quen” được một lần trong chốc lát. Ngày ba bữa đến giờ có người mời ông bà sang phòng ăn; quần áo thay ra ô-sin giặt là thơm phức. Nói là vào với cháu, chăm cháu nhưng mỗi ngày ông bà chỉ được đến với cháu một lần đúng giờ quy định. Đã có lần bà Đức tự ái nhưng nghĩ lại, bà tự kìm nén được. Lư hương và đồ thờ tự các cụ, ông rước vào, anh con đặt tít tận trên tầng ba; mỗi lần ông leo lên thắp hương, con chó béc-giê nằm nơi chân cầu thang lừ lừ nhìn.
Ông băn khoăn không biết con mình nó làm đến cái chức tước gì mà kẻ vâng người dạ; nó giàu có đến mức nào mà hơn trăm triệâu của ông nó coi như tiền lẻ; chủ nhật ít thấy nó ở nhà, ra khỏi cổng là có xe đưa đi đón về. Từ hôm vào, cả nhà mới ngồi ăn cơm chung với nhau được một bữa. Người trong nhà cũng chỉ ai biết người nấy, nói chi đến hàng xóm, tường cao cổng kín. Hết băn khoăn ông Đức lại lo xa: “Giàu có thế này con mình nó làm ăn lương thiện theo kiểu công ty trách nhiệm hữu hạn hay lập xí nghiệp sản xuất gì đó, được ông bà tổ tiên phù hộ độ trì, ăn nên làm ra thì không sao; chứ dính vào tham nhũng mà giàu thì trước sau rồi cũng lộ diện. Lúc đó mình còn mặt mũi nào mà nhìn anh em họ hàng, nói chi đến bà con làng xóm ngoài quê”. Cứ trông vào cái cách nó nói năng với ông, bụng dạ ông không yên chút nào! “Đã rời bỏ quê cha đất tổ, gặp phải hoạn nạn thì mong chi ngày trở về gửi xương, gửi cốt”. Tuy day dứt âu lo nhưng ông Đức không dám bộc lộ ra ngoài. Để bớt đi sự ủ rũ, ông rỉ tai bà, nhưng giọng nói thì không giấu được vẻ buồn buồn: “Vào đây tôi với bà giống đi an dưỡng ở khách sạn cao cấp mà thằng con nhà mình lại là giám đốc khách sạn bà nhỉ!”.
Một tuần rồi hai tuần, một tháng rồi hai, ba tháng, thời gian nặng nề chậm chạp trôi qua, ông Đức trắng nhợt ra, gầy đi trông thấy. Còn bà như đã “chịu thích nghi” nên bề ngoài không thay đổi mấy. Cái điện thoại đi động mới tinh Đạo mua cho, thi thoảng đổ chuông, nghe cái giọng quê con cháu gọi vào làm ông quặn lòng nhớ quê cha đất tổ. Ý nghĩ quay trở ra chuộc lại ngôi nhà và mảnh vườn cũ để sáng sáng còn đọc thơ, đàm đạo văn chương với mấy ông bạn già trong CLB thơ Hương Quê và tối đến đi sinh hoạt xóm làng… càng thêm thôi thúc.
Dần dà làm quen với cô giúp việc trong nhà mà Đạo gọi là “ô-sin”, cô gái thành thật kể: “Cháu sống ở đây đã gần tám năm, còn hai đứa nhỏ đang lau nhà tầng trên mới đến một năm. Gia đình cháu xa lắm, tít tận phía cực Nam. Cô chú coi cháu như người nhà, cháu coi gia đình cô chú như gia đình mình nên được tin tưởng giao cho chìa khóa các phòng và tiền đi mua thức ăn hàng ngày. Nhà cháu nghèo lắm, hàng tháng cháu đều gửi tiền công về cho ba mẹ nuôi các em ăn học”.
Nhìn vết sẹo to gần bằng nửa bàn tay nơi bắp tay ông Đức, cô gái nói:
-
Vết thương của ông lớn quá, trở trời có buốt nhức lắm không ông?
-
Không sao, ông bị thương ngoài mặt trận hồi chiến tranh, chịu đựng lâu ngày thành quen
-
Ba cháu cũng vậy, nhưng ba cháu bị thương ở chân hồi tham gia quân giải phóng, ba cháu cũng là thương binh ông ạ.
Ngẫm nghĩ một lát cô gái lại nói tiếp:
- Mấy năm trước chú không sinh con tiếp được, chú buồn rười rượi. Trong nhà u ám nặng nề… cháu bé trai vừa sinh là thụ tinh trong ống nghiệm đó ông ạ!...
Một mình ông ngồi trước hiên nhà nhìn ra khu vườn. Trời lắc rắc mưa. Một ý nghĩ quay tròn trong đầu ông: “Thụ tinh trong ốâng nghiệm, thằng cháu có phải là dòng dõi huyết thống của ông không?”.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, khu vườn mờ trong màn mưa. Nhìn nước chảy xuôi trên mặt các bức tường, ông Đức lẩm nhẩm: “Các bức tượng hình như cũng đang khóc vì một nỗi đau riêng…”
Truyện ngắn của Chu Vĩnh Phương