Tôi nhận ra điều này khi thấy tượng đài Hoàng Thái hậu Ỷ Lan ngay bên đường, khu khuôn viên của khu di tích đền, chùa bà Tấm. Người con gái hai lần nhiếp chính; một lần thay chồng (vua Lý Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành) xây dựng bộ máy triều đình, chống tham nhũng, cứu đói cho dân; một lần thay con (vua Lý Nhân Tông) nắm triều chính, cùng Thái úy Lý Thường Kiệt tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, giúp vua Lý Nhân Tông trị vì đất nước 56 năm, dài nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Nhân dân tôn thờ bà là Quan Âm, là bà Tấm. Bây giờ thì bà đứng đó, tay cầm ấn tín triều đình, nét mặt thánh thiện, dịu dàng với khách thập phương.

Thiếu tá Phùng Đắc Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Dương Xá có hơn 700 thanh niên lên đường nhập ngũ, đi khắp các chiến trường. Đã có 176 người nằm lại ở mọi miền Tổ quốc và đất bạn Lào, Cam-pu-chia, 80 người hiện còn mang thương tích trên mình, 2 gia đình có công với nước, 3 Mẹ VNAH. Bản thân ông có gần 20 năm chiến đấu ở Quảng Trị, Nam Lào và Tây Nguyên trong biên chế của Sư đoàn 320. Gần 20 năm làm Phó rồi Chủ tịch Hội CCB xã, với gần 400 hội viên, thuộc 8 chi hội, ông cùng Ban chấp hành thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội, cũng là Di chúc của Bác Hồ kính yêu: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Hội phối hợp với Xã đoàn và nhà trường, thôn xóm xây dựng các chương trình hoạt động từng tháng, từng quý. Mỗi chi hội có một tổ tuyên truyền gồm những hội viên uy tín, đã qua chiến đấu, căn cứ vào nội dung hoạt động mà giáo dục truyền thống quê hương, thủ đô và đất nước, kể chuyện chiến đấu, vận động mọi người phát huy nội lực, thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa. Hội thành lập đội văn nghệ xung kích, phục vụ nhân dân trong các dịp lễ tết, hội nghị của địa phương. Các “ca sĩ” CCB như Ngọc Anh, Thanh Tâm, Thanh Mừng cứ xuất hiện trên sân khấu là khán giả vỗ tay nhiệt liệt.

Bí thư Xã đoàn Lê Thị Ngọc Linh có dáng người nhỏ nhắn nhưng xem cách ăn nói, đi đứng nghiêm nghị như một quân nhân. Ngọc Linh cho biết: Xã đoàn có 12 chi đoàn với hơn 1.400 đoàn viên, thanh niên. Chúng tôi cũng như các nhà trường rất tâm huyết với chương trình phối hợp của Hội CCB, không những làm cho hoạt động của Đoàn phong phú thêm mà còn định hướng cho mỗi người có cách lập thân, lập nghiệp riêng. Qua tìm hiểu, sinh viên Phạm Thế Cường, lớp CKT 1A, Trường cao đẳng Kỹ thuật mỹ nghệ Việt Nam tâm sự: Chúng cháu rất xúc động trước những tấm gương chiến đấu hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh và nhân dân để có ngày hôm nay, cho chúng cháu được vinh hưởng những thành quả đó. Mùa hè chúng cháu thường tình nguyện đến các vùng sâu vùng xa để giúp đỡ bà con và các em thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn... Hôm nay Trần Thị Huyền Trang, sinh viên Trường trung học Quản lý và công nghệ mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt, nổi bật trong đám bạn bè. Cháu nói: Được nghe các bác, các chú CCB nói chuyện truyền thống, chúng cháu thấy những gì mình đã và đang làm còn quá nhỏ bé và cũng nhận ra là phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó…

Nghe tôi hỏi, cháu Lê Thị Thanh Hải, học sinh lớp 9A Trường THCS Dương Xá ngập ngừng: Năm nào cháu cũng được nghe các bác CCB sang nói chuyện. Tự hào về quê hương, cháu chỉ biết học cho thật tốt, 9 năm nay cháu đều đạt học sinh giỏi. Cùng lớp và cũng có 9 năm là học sinh giỏi như Thanh Hải là Lê Thị Cẩm Nhung, cháu cho biết: Ông bà ngoại và cả bố mẹ cháu đều là bộ đội, cháu cũng ước mơ sau này được vào bộ đội. Tôi quay sang Nguyễn Thị Huyền ngồi bên, học sinh lớp 7B, chưa kịp làm quen cháu đã khoe: Cháu cũng có 6 năm là học sinh giỏi và tiên tiến.

Có một sự trùng hợp lý thú là Bí thư Đảng ủy xã Dương Xá Phạm Danh Toán và Chủ tịch Hội CCB huyện Gia Lâm Nguyễn Viết Tư đều có thời gian chiến đấu, công tác tại Sư đoàn 308, nay lại cùng tâm đắc: Dương Xá là vùng đất cổ, giàu trưyền thống văn hóa và cách mạng. Hội CCB xã bồi dưỡng tri thức, vốn sống và hiểu biết về truyền thống đấu tranh của các thế hệ đi trước, khơi ngọn lửa thiêng cho mỗi thanh niên nêu cao ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Hội cũng qua đó mà trưởng thành, 12 năm liền đạt TSVM, được thành phố và cấp trên tặng 14 bằng khen.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm