Các thủ lĩnh Taliban tuyên bố chiến thắng ở sân bay Kabul ngày 31-8-2021.

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Taliban tiến quân vào tiếp quản thủ đô Kabul, giành lại quyền lãnh đạo ở đất nước chiến tranh triền miên này. Afghanistan có nhiều đổi thay nhưng những thay đổi này lại mang lại sự nghèo đói, lạc hậu trong khi nỗi đau thời hậu chiến và đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế nhưng, nỗi buồn lớn nhất thời hậu chiến ở Afghanistan là nguy cơ một cuộc nội chiến có thể đẩy quốc gia này lún sâu vào khủng hoảng.

Cho dù Taliban từng bị gán mác nuôi dưỡng khủng bố và áp đặt những quy định Hồi giáo hà khắc, nhưng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Taliban đánh tan quân của phe chính phủ, phá vỡ thoả thuận đối thoại trong hoà bình, vẫn có kỳ vọng Taliban sẽ ổn định Afghanistan và đặt toàn bộ đất nước dưới sự kiểm soát đáng tin cậy nhằm thiết lập quyền lực duy nhất và loại bỏ các thách thức an ninh như khủng bố và buôn bán ma túy.

Trong thỏa thuận với Mỹ, Taliban cam kết sẽ không để Afghanistan là nơi khủng bố có thể ẩn náu. Thế nhưng, cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri tháng trước đã làm dấy lên nghi vấn về độ tin cậy và tính trung thực của phong trào này. Trong 11 tháng kể từ khi lên nắm quyền, Taliban phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng, bao gồm các cuộc xung đột phe phái gia tăng do can dự với các đối tác nước ngoài, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Pashtun và sự rút lui của các nhóm dân tộc thiểu số khỏi phong trào này, cũng như sự bất lực của họ trong việc ổn định hệ thống hành chính nhà nước.

Do ảnh hưởng và sự hiện diện ngày càng tăng của các phe phái và hệ tư tưởng cực đoan trong các cơ cấu quyền lực, nên Chính phủ mới của Afghanistan không thỏa hiệp với cộng đồng quốc tế. Đây là một thất bại lớn của Taliban bởi như vậy họ sẽ không thể củng cố sự lãnh đạo tập trung và không tạo được niềm tin với cộng đồng quốc tế.

Mâu thuẫn nội bộ thể hiện rõtrong những tháng gần đây khi có một xu hướng rõ ràng trong nội bộ Taliban là tăng cường và mở rộng đáng kể vai trò của người Pashtun. Mặc dù Taliban trước đây đã có thể chiêu mộ người Uzbekistan, Tajikistan và Hazara ở phía Bắc và các nơi khác để tiếp tục các mục tiêu của mình, nhưng lãnh đạo của phong trào vẫn bị chi phối bởi những các thủ lĩnh Pashtun cực đoan đã cai trị Afghanistan trong những năm 1990 và phản đối việc thỏa hiệp về hệ tư tưởng và sự cân bằng quyền lực. Nếu Taliban có thể tìm ra một công thức để thống nhất các phe phái này, họ có thể củng cố chế độ. Nếu không, xu hướng này sẽ làm suy yếu khả năng nắm giữ quyền lực của nhóm và có thể khuyến khích một số nhóm không thuộc dân tộc Pashtun công khai chống lại Taliban.

Bên cạnh đó, dù đã nắm quyền được 1 năm, nhưng Taliban không thể hiện được khả năng điều hành đất nước một cách hiệu quả. Taliban là một phong trào với hệ thống phân cấp chủ yếu theo chiều ngang, luôn có một hệ thống cai trị phi tập trung. Lực lượng Taliban trên bộ đã hành động trong khuôn khổ của một chiến lược duy nhất được giới lãnh đạo phê duyệt. Tuy nhiên, đồng thời, họ có quyền tự chủ đáng kể trong việc lựa chọn chiến thuật để đạt được mục tiêu và độc lập xác định nhiệm vụ hoạt động của mình. Cách tiếp cận quản lý như vậy thu hút một loạt tay súng chống lại Chính phủ của Ashraf Ghani và giúp Taliban đạt được các mục tiêu của mình vào thời điểm đó.

Vậy nhưng, kể từ khi nắm quyền vào tháng 8-2021, Taliban cố gắng xây dựng một hệ thống chính quyền tập trung cao độ bằng cách bổ nhiệm trực tiếp các thủ lĩnh địa phương từ Kabul, chủ yếu là người gốc Pashtun và tạo ra một hệ thống phân cấp theo chiều dọc cứng nhắc. Tuy nhiên, những quyết định như vậy đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực hiện có giữa các chỉ huy địa phương và lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Taliban đoàn kết trong chiến tranh nhưng thiếu năng lực lãnh đạo đất nước và thiếu sự thống nhất trong nội bộ. Nguy cơ của một cuộc nội chiến đã hiển hiện nếu Taliban không tự thoả hiệp để có một mô hình quản trị quốc gia hiệu quả.

Thanh Huyền